Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Tiếc ngày hội "Tôi Tự Do"

Vũ Trường

Có lẽ trong lúc cao hứng sau khi mua chuộc được phiếu bầu của một số nước nghèo để vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ mà lãnh đạo đảng đề xuất sáng kiến lập ngày hội Tôi Tự Do và Hội thảo Hiểu và Hành động vì Quyền Con Người, tổ chức ở Hà Nội ngày 7/12/2013, tại Nhà Văn Hóa học sinh, sinh viên số 37 đường Trần Bình Trọng. Một số hội đoàn có tên rất "xã hội dân sự" nhưng cũng chẳng nghe ai nói đến bao giờ bỗng nhiên xuất hiện đăng cai trong ban tổ chức, từ các mạng lưới viết tắt khó hiểu PPWG, GENCOMNET, GPAR, EMWG, SRA, CDG, đến các tổ chức thanh niên, các đại học vẫn thường cấm tụ tập đông người; và còn có cả hội của người đồng tính, song tính và chuyển giới. Nghĩa là tự do chưa từng thấy.

Phản ứng lập tức trên mạng và ngoài đời là những mái đầu gật tù: Lại một kiểu đốt tiền của nhà nước để ca ngợi những thành tích KHÔNG hề có tại Việt Nam. Có người bảo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) đến Việt Nam phải viết thêm "quyền đóng kịch". Thế là vang lên nhiều tiếng kêu gọi tẩy chay.

Tẩy chay là hợp lý và đúng lương tâm thôi. Ai có lương tri mà lại đi tiếp tay với những kẻ đang gầm thét cướp đoạt mọi quyền con người của toàn dân, rồi tỉnh bơ quay đầu nở nụ cười "nhân hậu" cho nước ngoài quay phim?

Nhưng nếu nghĩ lại: như thế có uổng phí cơ hội không?

Nhìn học kinh nghiệm của những nạn nhân bạn: khi người dân Tây Tạng nhận tin Bắc Kinh được cho đăng cai tổ chức Thế vận hội 2008, họ nhận ra ngay đó là cơ hội để chĩa tối đa các ngọn đèn từ khắp nơi trên thế giới vào những vi phạm nhân quyền và chính sách đồng hóa tàn ác của Bắc Kinh. Các nhà dân chủ và nhân quyền Trung Quốc như điêu khắc gia Ngải Vị Vị và các bạn bè ông cũng ôm ngay lấy cơ hội này để chiếu đèn từ trong ra. Sự kết hợp và tận dụng thời cơ đó đã đem đến kết quả ngoài sức chờ đợi của mọi người. Cả thế giới quí mến, quan tâm, và tranh đấu cho mục tiêu nhân
quyền tại Trung Quốc hơn trước đó rất nhiều.

Còn người Việt có bén nhạy được như họ không? Chúng ta phải làm gì? Nếu chủ động đến tham dự ngày hội Tôi Tự Do nói trên để làm một vài việc rất ôn hòa và nhẹ nhàng như vài người đã gợi ý sau đây thì sao?

Phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và cẩn thận chụp hình những kẻ giựt xé, ngăn cản, bắt giữ những anh chị em làm công việc phân phát đó. Mỗi bức hình này sẽ xóa sạch cả trăm lời hứa tôn trọng nhân quyền của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Genève.
  • Giơ cao những tấm bảng "Quyền tự do ngôn luận = 800 báo đài dưới MỘT chủ bút?", hay "Nghị Định 72, Điều luật 258, Điều luật 88 đảm bảo quyền câm lặng tuyệt đối", v.v. và chụp hình.
  • Giơ cao những tấm giấy: "Quyền yêu nước và bảo vệ đất nước là quyền của con ... gì?", v.v. và cẩn thận quay phim phản ứng của người đọc.
  • Phỏng vấn và thu thanh các bạn trong ban tổ chức ngày hội. Câu đầu tiên: "Bạn từng thấy mặt mũi cái bản TNQTNQ bao giờ chưa?". Nếu trả lời "chưa" thì: "Đây này, đọc đi". Nếu trả lời "thấy rồi" thì hỏi tiếp: "Thế bạn kể cho mình nghe hiện nay dân tộc ta có quyền nào trong bản TNQTNQ?". Sau đó xin điạ chỉ email để trao đổi thêm.
Chỉ những việc nhẹ nhàng như thế thôi. Và chỉ cần rủ nhau vài bạn là đã có thể làm được rồi. Chẳng cần chuẩn bị gì nhiều ngoài cái điện thoại di động để chụp hình, thu thanh. Bản TNQTNQ tiếng Việt cũng có đầy trên mạng, in ra vài trang giấy thường là đủ tốt rồi.

Thế là bà con đang bảo nhau: Ai đang ở Hà Nội, hãy rủ nhau đến ngày hội "Tôi Dự Do" và bắt máy chụp hình của mình làm việc tối đa; Ai không đang ở Hà Nội, cứ làm nhiều hình thức "Tôi Tự Do" khác để khởi động phong trào đòi lại những quyền đang bị cướp đoạt. Càng dễ và đơn giản để nhiều người cùng làm càng tốt.

Tin giờ chót:

Đang nhắn nhau rôm rả thì nhà nước bất ngờ ra quyết định không cho "Tôi Tự Do" nữa, vì nghe tin nhiều bà con sắp "xông vào" tham dự tận tình.

Thế là Dân chưa ra quân đã đạt mục đích. Bà con ta đã buộc cả đoàn kịch nói phải thú nhận không hề có cái gọi là quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do ngôn luận tại VN. Quyền này lại càng phải cấm ngặt trong ngày tung hô thành tích nhân quyền của nhà nước VN.

Và quyết định cấm "Tôi Tự Do" này cũng thú nhận luôn Ban Tuyên Giáo thực sự đuối lí, cãi không lại Dân.

Ai còn dám bảo SỨC DÂN là sản phẩm tưởng tượng?

Dù sao thì vẫn tiếc cơ hội thử sức. Nhưng thôi đành để dành cho các dịp tới vậy, đặc biệt là những buổi hội biểu diễn "quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước" của đảng và nhà nước.

Ngày 5/12/2013

Nhật còn phải ngán Hiến pháp mới của Việt Nam

Ngô Quảng - DienDanCTM

Ngày 28 tháng 11 vừa qua, hầu như các báo đài lớn ở Nhật đều đưa tin và bình luận về việc Quốc hội Cộng sản Việt Nam bấm nút thông qua bản Hiến pháp mới sửa đổi. Đặc biệt nhật báo Sankei và đài truyền hình Fuji kênh số 8 đã dành khá nhiều chỗ cho chủ đề này.

Các nhận xét chính của giới truyền thông Nhật bao gồm:

- Một số điều gọi là mới sửa đổi trong bản hiến pháp này lại vẫn viện dẫn lý do quốc phòng và an ninh để giới hạn thêm về nhân quyền, bất kể thực tế là nhà nước Cộng sản Việt Nam đã cam kết tôn trọng từ năm 1977 khi Việt Nam trở thành thành viên của Liên hiệp quốc, và mới đây nhất là vào ngày 12 tháng 11 khi quốc gia này được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

- Nhà nước Cộng sản Việt Nam tiếp tục dùng thủ thuật cứ ca ngợi và cam kết tôn trọng nhân quyền nhưng rồi lấy luật pháp để trói các quyền đó lại. Các điều khoản luật pháp đó do chính nhà cầm quyền soạn ra và luôn nhân danh quốc phòng và an ninh để cấm.

- Với bản hiến pháp mới này đảng Cộng sản Việt Nam yên chí sẽ kéo dài thời gian cầm quyền vì đã buộc được quân đội trước hết phải trung thành với Đảng chứ không phải với tổ quốc.

- Với những lập luận như thế thì rõ ràng là nhân quyền ở Việt Nam hiện nay do nhà nước quyết định chứ không phải là quyền tất yếu mà con người khi sinh ra đã có như bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khẳng định.

- Là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc mà không tuân thủ và hành động đúng theo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền thì khó có thể trông đợi Nhà nước Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết khác.

Vẫn theo truyền thông Nhật, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, chuyện sửa đổi Hiến pháp của nhà nước Cộng sản Việt Nam không chỉ chi phối trực tiếp đến đời sống của người dân Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia có quan hệ với Việt Nam; trong đó có Nhật Bản.

Vào đầu năm 2013, các hãng Nhật đang đầu tư ở Việt Nam lẫn những công ty dự định vào Việt Nam làm ăn, sau khi rút khỏi Trung quốc, đã quan tâm nhiều về chuyện Việt Nam sẽ sửa đổi hiến pháp. Tất cả đều mong bản hiến pháp mới của Việt Nam sẽ đặt nền tảng cho một hệ thống pháp lý mới, độc lập với các thế lực chính trị, dựa trên các luật lệ quốc tế, và công bằng. Ngay cả chính phủ Nhật cũng kỳ vọng bản hiến pháp mới sẽ mở ra nhiều cánh cửa hợp tác trực tiếp với xã hội dân sự tại Việt Nam hơn. Họ đã bị áp suất nhiều từ công luận Nhật về việc xử dụng những khoản viện trợ phát triển quá phí phạm cho nhà nước Việt Nam.

Bằng chứng về sự quan tâm và nôn nóng trên là việc nhiều công ty và tổ chức phi chính phủ (NGO) Nhật đã mời các chuyên gia am hiểu về tình hình chính trị Việt Nam đến để tham khảo về chủ đề này. Hầu hết đều đã bật ngửa khi nghe các chuyên gia này đoan chắc rằng chẳng có gì thay đổi nếu không muốn nói là siết mạnh hơn trước. Để giúp cử tọa dễ hình dung mức độ lạc hậu ngoài sức tưởng tượng của hiến pháp Việt Nam, một chuyên gia đã đưa ra thí dụ: "Nếu đảng Tự Do Dân Chủ đang cầm quyền ở Nhật sửa đổi hiến pháp để bắt buộc Tự Vệ Đội (tức quân đội Nhật) phải trung thành với đảng này thì người dân Nhật chúng ta nghĩ sao?"


Câu hỏi đó vẫn còn để lại ấn tượng mạnh trong giới điều hành hãng xưởng Nhật.

Bên cạnh đó, là những bản tin như Nghị định số 72/2013/NĐ-CP do ông Nguyễn Tấn Dũng ký và đã áp dụng từ ngày 01/09/2913, cấm những người sử dụng Internet không được phép trích đăng hay tổng hợp tin tức từ các trang mạng, báo, đài của nhà nước; hay nghị định phạt tiền bất cứ ai chỉ trích nhà nước trên mạng; v.v... Ngay cả chính phủ Hoa Kỳ cũng e dè không muốn trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam, không muốn ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái bình dương (TPP) vì tình trạng chà đạp nhân quyền quá trầm trọng tại Việt Nam.

Đối diện với bức tranh đó và vì biết trước kết quả "đổi mới" hiến pháp từ đầu năm 2013, nên phần đông những hãng Nhật sau khi rút khỏi Trung quốc đã tìm đến Thái Lan, Indonesia và thậm chí vào Miến Điện chứ không đến Việt Nam. Họ chẳng dại gì tránh vỏ dưa Trung Quốc để gặp vỏ dừa Việt Nam.

Tác hại của Hiến pháp 2013 đối với dân tộc Việt Nam đã bắt đầu.

Nguồn: DienDanCTM

Tâm huyết của công dân tự do Lê Hiếu Đằng

BVN
 
Luật gia Lê Hiếu Đằng trò truyện với Bauxite Việt Nam về quyết định ra khỏi Đảng Cộng sản.

BVN: Thưa anh, sáng sớm hôm nay thế giới mạng đã lan truyền rất nhanh lời tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam của anh sau hơn 40 năm ở trong đảng. Anh có thể cho biết vì sao anh chọn thời điểm này tuyên bố ra khỏi đảng?

LHĐ: Việc tôi tuyên bố ra khỏi đảng là hệ quả tất yếu của bài viết của tôi trước đây khi nằm trên giường bệnh. Nhưng do hoàn cảnh, do gia đình mà mình chưa thực hiện được. Nhưng bây giờ đã đến lúc thấy cần phải làm. Mình đã tuyên bố thì việc đầu tiên là chính bản thân mình phải ra khỏi đảng đã, rồi đến những người khác sẽ xem, nếu thấy việc làm của mình mà chính đáng họ sẽ hưởng ứng. Với lại bây giờ thấy đảng đã tệ hại quá đi. Vừa rồi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp tôi thấy đi ngược lại hoàn toàn nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Tình hình kinh tế xã hội ngày càng xuống cấp, không thể nào chấp nhận được một cái đảng như vậy. Mình là một thành viên của đảng, dù sao mình cũng có trách nhiệm. Bây giờ mình ra khỏi đảng thì mình không còn trách nhiệm gì nữa. Mình là một công dân tự do.Với tư cách là một công dân tự do, mình có phạm vi hoạt động rộng rãi hơn, không bị vòng kim cô ràng buộc, mình có thể hoạt động rộng rãi, có thể sử dụng được tất cả các quyền công dân để mình đấu tranh.

BVN: Thực ra có không ít đảng viên muốn bỏ đảng nhưng không biết vì lý do gì mà họ vẫn lần lữa không chịu ra, hoặc chỉ lẳng lặng bỏ sinh hoạt mà không tuyên bố ra khỏi đảng. Cũng có những người tâm huyết nói với nhau cần đợi một thời điểm thích hợp sẽ cùng tuyên bố ra đảng. Anh nghĩ thế nào về tâm sự ấy?

LHĐ: Về thời điểm nào thích hợp thì tôi cho rằng thời điểm này là thích hợp rồi. Chế độ này đã quá tệ, mọi lĩnh vực đều xuống cấp không thể nào cứu vãn được, mà các ông ấy vẫn chỉ đặt lợi ích của các tập đoàn, của gia đình và bản thân chứ không còn đặt lợiích của đất nước lên trên. Nhất là đối với người nông dân, cụ thể là vấn đề ruộng đất, người dân đã rất cực khổ mà mấy ông ấy vẫn rất vô cảm, có thể nói không có chút xúc động gì, không sửa chữa được gì hết mà còn tệ hại hơn. Vì thế tôi thấy không còn có thể chịu đựng được nữa.

BVN: Như vậy có nghĩa rằng lâu nay các đảng viên có tâm huyết, các nhân sỹ trí thức vẫn cứ kiên trì chờ đợi xem đảng, hay nói đúng ra là bộ phận lãnh đạo của đảng, có tiếp thu những ý kiến xây dựng chân thành, mở ra con đường dân chủ hóa đất nước hay không, nhưng cho đến lúc này thì họ đã hoàn toàn thất vọng, không thể còn trông cậy vào sự sửa chữa của đảng nữa?

LHĐ: Đúng thế. Thời cơ vàng là sự sửa đổi Hiến pháp và Kiến nghị của 72 nhân sỹ trí thức, lẽ ra anh phải chú ý để có thay đổi, để tạo được không khí dân chủ, mà cơ bản nhất là chuyển một nhà nước chuyên chế, nhà nước toàn trị thành nhà nước dân chủ, để hòa vào dòng chảy của thế giới. Mà thế giới hiện nay đang chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, làm những việc thiết thân với con người hơn với CNXH rất xa xôi, mơ hồ không bao giờ có được, nói như ông TBT chờ100 năm nữa vẫn chưa có được. Thế thì tại sao lại bắt cả dân tộc phải chờ đợi?Bản thân các ông ấy đều cho con cháu đi Mỹ, đi Châu Âu du học, tức là đi theo Chủ nghĩa Tư bản, thế mà lại bắt cả dân tộc đi theo CNXH chẳng ra cái gì cả. Nó xa xôi, nó chỉ là hứa hẹn suông. CNXH đã tan tành trên ngay quê hương nó là Liên Xô.Lẽ ra mấy ông phải mở mắt ra chứ thế mà cứ nhắm mắt mà đi theo. Như thế chứng tỏ các ông ấy chỉ đặt quyền lợi của bản thân lên trên chứ không quan tâm gì đến quyền lợi của đất nước của dân tộc.

BVN: Cũng có người nghĩ rằng thực chất thì đảng này đang xây dựng CNTB, tất nhiên là CNTB man rợ, CNTB thân hữu. Trong khi đó cứ tuyên bố theo CNXH, chủ nghĩa Mác-Lê nin, nhưng thực ra chỉ cốt để duy trì sự độc tôn, độc trị. Cũng có biện luận rằng làm như thế là để giữ ổn định cho xã hội, nếu bây giờ tuyên bố bỏ CNXH thì xã hội sẽ loạn. Cho nên họ cứ tuyên bố như thế nhưng thực chất thì họ đang tự động chuyển sang CNTB.Vậy thì có nên cứ lẳng lặng ủng hộ quá trình ấyhay là cần phải vạch ra cho rõ ràng, phải phê phán, phản đối, phải ra khỏi đảng?

LHĐ: Đối với dân tộc, nói cái gì phải nói cho rõ ràng. Nói gì thì nói, CNTB man rợ nó còn tệ hơn trước đây. Tại sao anh lại không theo CNTB văn minh? CNTB cũng có mặt khiếm khuyết của nó nhưng lẽ ra phải không duy trì CNXH, CN Mác Lê-nin.Bây giờ có cái tệ hại là cứ dọa người dân là xã hội xáo trộn. Nhưng thực ra đôi lúc có sự xáo trôn một ít cũng rất cần thiết.

BVN: Con đường đấu tranh để chuyển hóa đảng cộng sản, chuyển hóa xã hội sang dân chủ bây giờ đã khác; ai cũng thấy là không thể dùng vũ lực lật đổ đảng cộng sản, mà phải chuyển hóa một cách ôn hòa theo con đường mà đảng vẫn lên án là “diễn biến hòa bình”. Có phải vì thế mà gần đây anh đã tham gia Ban cố vấn của Diễn đàn Xã hội Dân sự? Anh có thực sự tin rằng phát triển xã hội dân sựlà lối ra tốt đẹp cho đất nước hay không?

LHĐ: Bây giờ không hy vọng gì đảng và nhà nước thay đổi. Phải có yếu tố tác động đến mấy ông,phải xây dựng một xã hội dân sự mạnh đủ sức hạn chế quyền lực, tạo áp lực để mấy ông phải thay đổi. Bản thân tôi là đảng viên, cũng có nhiều bạn bè thân thiết, những đảng viên, những người lãnh đạo không cao lắm nhưng cũng là bậc trung, họ có những nhận thức tiến bộ, thấy được vấn đề, không mù quáng. Chỉ có những người chóp bu, ông nào cũng có lợi ích, có lĩnh vực để chia chác nhau làm cho đất nước khốn khổ vậy. Nông dân là lực lượng chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa rồi, lẽ ra họ phải được hưởng nhiều, bây giờ họ lại khổ nhất. Chỉ có quan chức và bà con của quan chức là hưởng lợi nhiều. Đa số người dân thì rất khổ, phải ly hương phải đi tìm sự sống. Cái này không thể chấp nhận được.

BVN: Vừa rồi theo anh nói có những đảng viên ở cương vị khá nhận thức được vấn đề nhưng cũng có nhiều người, nhất là những người ngoài đảng thắc mắc trong hàng mấy triệu đảng viên có phải những người có nhận thức tiến bộ chỉ là thiểu số, nếu không phải như thế thì tại sao đa số đảng viên lại không lên tiếng? Có phải là những đảng viên thường không có tiếng nói, không có tác động gì tới đường lối của đảng, tức là họ cũng nằm trong bộ phận bị trị mà như thế không hề đúng với cương lĩnh của đảng?

LHĐ: Đúng rồi. Tôi là đảng viên trong nhiều năm, sinh hoạt trong chi bộ tôi thấy các đảng viên, chi bộ, các cấp ủy chẳng có ý nghĩa gì, chỉ có mấy ông Bộ Chính trị, chóp bu quyết định thôi. Ban chấp hành Trung ương họp chẳng có ai dám nói gì đâu. Vừa rồi Quốc hội thông qua Hiến pháp chỉ có 2 người không bỏ phiếu thì có thể nói Quốc hội này là phản động, không phản ánh được ý chí nguyện vọng của nhân dân, nhất là vấn đề ruộng đất.

BVN: Nhân việc anh tuyên bố ra khỏi đảng, anh có gì nhắn nhủ với các đồng chí cũ của anh, tức là các đảng viên đảng cộng sản?

LHĐ: (Lặng im giây lát rồi vừa nói vừa khóc) Tôi có nhiều bạn bè là đảng viên, thực ra bây giờ tôi ra khỏi đảng rồi, không còn sinh hoạt đảng nữa. Lẽ ra bây giờ phải đoàn kết nhau lại để đấu tranh, phải có dũng khí, nếu ai cũng sợ cho bản thân mình, sợ cho bản thân gia đình mình thì đất nước sẽ ra thế nào, đất nước này ai lo? Thành ra tôi thấy thế này là không được, vì lợi ích cá nhân, gia đình, mà quên lợi ích đất nước thì không được, tôi thấy thế thì quá tệ hại.

BVN: Ngoài ra anh còn muốn thông qua diễn đàn Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ điều gì nữa?

LHĐ: Tôi muốn nhắn anh chị em đảng viên trong đảng còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi bằng thời điểm này để tỏ thái độ để đấu tranh. Nếu bây giờ cứ nói tình hình lúc này chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc, thì bao giờ mới đúng lúc, mới chín muồi? Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à? Quan điểm ấy rất là tiêu cực, mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày. Chỉ có kẻ yếu mới thích bắt bớ tù đày. Nếu mạnh thì phải đối thoại. Thí dụ như trường hợp của tôi chưa có ai đến đối thoại với tôi. Tôi nói thêm bây giờ chính là lúc của nhân sỹ trí thức. Bao giờ cũng vậy, xã hội nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy,nhân sỹ trí thức phải đi đầu, phải giương cao ngọn cờ đấu tranh, phải dũng cảm, đừng có sợ. Bây giờ là mình phải phá tan không khí sợ hãi mà bao nhiêu năm, từ năm 1954 đến giờ, do mấy ông tạo nên. Bây giờ tôi thấy, ai cũng sợ, cái gì cũng sợ. Sợ ma, sợ quỷ, sợ cái quái quỷ gì… Mình là con người tự do, mình sợ cái gì. Mình không sợ vì mình là chính nghĩa, và như vậy mình làm việc đúng thì không thể ai nói gì, làm gì được mình hết. Đừng có nói chưa chín muồi. Tôi hy vọng nhân sỹ trí thức đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã hội dân sự mạnh thì nhân sỹ trí thức phải làm.Vậy thôi.

BVN: Xin cảm ơn anh và xin nhanh chóng truyền tải tất cả những lời tâm sự chân thành và tha thiết của anh đến bạn đọc của Bauxite Viêt Nam và qua đó sẽ gửi đến rộng rãi những người dân trong xã hội, kể cả những đảng viên và những người lãnh đạo của đảng. Một lần nữa cảm ơn anh và xin chúc anh chóng phục hồi sức khỏe.

Nguồn: Bauxite Việt Nam

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Tâm thư từ bỏ đảng của Nhà báo Phạm Chí Dũng

Thụy My - RFI

Nhà báo Phạm Chí Dũng, cây bút bình luận sắc bén đồng thời là tiến sĩ kinh tế, hôm nay 05/11/2013 vừa viết lá tâm thư chính thức từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Thụy My xin giới thiệu với bạn đọc ở đây:

TÂM THƯ TỪ BỎ ĐẢNG

Tp. HCM ngày 5 tháng 12 năm 2013

Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:

Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.

Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.

Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.

Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.

Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.

Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.

Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.

Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.

Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.

Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?

Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.

Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.

Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. HCM
ĐT: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com



ĐƠN XIN RA ĐẢNG

Kính gửi: Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM

Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.

Trân trọng.

Ngày 5 tháng 12 năm 2013

Người làm đơn
Phạm Chí Dũng

Nguồn: Blog Thụy My - RFI

Ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố rời ĐCSVN


TUYÊN BỐ từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam của ông LÊ HIẾU ĐẰNG
TUYÊN BỐ


Tôi tên LÊ HIẾU ĐẰNG là ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VN, hơn 40 tuổi đảng. Nay tôi tuyên bố công khai ra khỏi đảng CSVN vì:

ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.

Tôi xin xác định đây là quyết định của tôi.

Ngày 04.12.2013
Lê hiếu Đằng
(chữ ký)



Đôi lời:

Vậy là phát pháo lệnh đã nổ!

Trước khi bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua, công luận thừa biết màn hài kịch lố bịch sẽ có cái kết ra sao, người ta chờ đợi một phản ứng mạnh mẽ nào đó, ví như một cuộc biểu tình. Nhưng đã không xảy ra.

Phải chăng lòng người đã quá mệt mỏi? Hay nỗi sợ hãi bị đàn áp, trong lúc thiếu sự gắn kết và những “ngọn cờ”?

Và Lê Hiếu Đằng đã nhận lãnh vị trí đó, dù cho có thể sẽ là một “ngọn cờ cảm tử”.
Thử nhìn lại, khi ông tung ra bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…, bộ máy tuyên truyền của ĐCSVN hoảng hốt tới đâu. Đến những tờ báo thuộc loại có phần “gần dân”, chẳng bao giờ thèm tham gia những cuộc “đánh hôi” của đám báo “lá … chuối chùi khu” như Nhân dân, Quân đội nhân dân, vậy mà cũng được lôi vào trận. Rồi vài tay chân đã lộ hoặc chưa lộ mặt của đảng cũng nháo nhác kêu la, chửi rủa.

Nếu đó là cú đòn nhứ, làm cho đảng vội vã tung hết binh lực, thì cú đòn lần này, chắc chắn sẽ làm đảng khó trở tay, nhất là ngay giữa lúc bữa tiệc hân hoan mừng Hiến pháp mới vừa được bày biện. Nó sẽ như cái tát vào ngay giữa những cái miệng bóng nhẫy đang nhồm nhoàm gặm dở khúc sườn, đùi.

Ban bí thư sẽ chụm đầu bàn bạc, Ban Tuyên giáo sẽ có những chỉ thị ngầm, …? Liệu có nên công khai phản công như lần trước, hay nín lặng, vì không khéo thì “lợi bất cập hại”? Không lẽ lại lần nữa phải huy động cỗ máy khổng lồ chỉ để chống lại một Lê Hiếu Đằng đơn độc, đang mắc trọng bệnh? Hay là để dành binh lực, chờ cú đòn nặng hơn, của một tập thể, chẳng hạn? Cho nên, sẽ phải bóp đầu, căng tai nghe ngóng, phán đoán xem liệu hiệu ứng của cú đòn này sẽ lan tỏa tới đâu.

Bởi vì:

Một phong trào bỏ đảng nếu như được dấy lên, ngay vào lúc này, sẽ là cái giá phải trả đau đớn nhất, mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử 83 năm vinh – nhục của ĐCSVN.

BT
- - -

* Tham khảo: - Lê Hiếu Đằng (Wikipedia). – Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh… (BauxiteVN). – Nhiều sai lầm, lệch lạc trong bài viết trên giường bệnh của ông Lê Hiếu Đằng (CAND). – Qua bài viết của ông Lê Hiếu Đằng, nghĩ về gốc đức của một người cao tuổi (CAND). – “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”: Sai lầm và ngộ nhận (NLĐ). - Thư gửi anh Lê Hiếu Đằng – “Đằng ấy… đằng mình”!!! (SGGP). – “Màn tung hứng” vụng về (QĐND). – Nhân đọc bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…” của Lê Hiếu Đằng (VNTPHCM). – Báo Đảng công kích ông Lê Hiếu Đằng (BBC).

Nguồn: Diễn đàn Xã hội Dân sự


Đảng Cộng Sản và con Cáo Cộ

Nguyễn Trung Tôn

Khi còn nhỏ, mỗi khi tôi khóc làm nũng thì bố mẹ và chị gái tôi cùng những người lớn thường dọa tôi: “Khóc là con Cáo Cộ nó bắt kìa”. Tôi chẳng biết Cáo Cộ là con gì, hình thù thế nào. Nhưng theo như người lớn nói thì tôi nghĩ rằng nó rất hung dữ và có thể bắt trẻ con để ăn thịt nên tôi rất sợ. Tôi sợ Cáo Cộ hơn cả sợ bố, mẹ, anh, chị. Thậm chí chỉ cần người lớn trạo giòng và nói “Cáo Cộ” là tôi đã sợ tè cả ra quần.

Khổ nỗi tại Việt Nam bây giờ người dân còn phải sợ nhiều và sợ hơn con Cáo Cộ của tôi rất nhiều lần. Họ sợ từ công an, đến bác sỹ và mọi loại người dính tới Nhà nước. Mỗi khi bất đắc dĩ mà người dân phải rơi vào tay họ thì chắc chắn sẽ từ hao tiền tới mất mạng.

Ai không tin cứ thử cách đơn giản này. Xin cứ gặp bất cứ người dân nào hiện đang sinh sống bình thường ở bất kỳ miền nào và chi hỏi họ một câu: Bạn sợ nhất điều gì? Xác suất cao câu trả lời sẽ theo thứ tự: thứ nhất là sợ công an, thứ hai bác sỹ, thứ ba chính quyền. Dưới sự lãnh đạo
độc quyền “tài tình” của Đảng Cộng sản, những thành phần trên đã thực sự trở thành những con “ Cáo Cộ” mà khi nghe nhắc tới nhiều người đã phải tè... trong lòng.

Thời gian vừa qua khi tôi ra tù thì được tin Quốc hội Việt Nam đưa vấn để sửa đổi hiến pháp 1992 ra để cho dân góp ý. Tôi cứ nghĩ rằng ít nhiều đây cũng là cơ hội để quần chúng nhân dân đưa ra những ý kiến đóng góp thật lòng của mình để góp phần xây dưng một văn kiện pháp lý quan trọng cho vận mệnh của đất nước. Tôi đã được xem qua một số bản kiến nghị của một số cá nhân và tập thể và thấy rằng những đóng góp sửa đổi này thật sâu sắc và hợp tình hợp lý, thể hiện tinh thần trách nhiệm với tương lai đất nước. Điển hình như bản kiến nghị 72 hay bản kiến nghị của Hội đồng Giám mục Việt nam, ...

Nhưng, như chúng ta đã biết, ngay sau mỗi bản kiến nghị góp ý mang tính sâu xa và phù hợp thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân xuất hiện, lập tức các đại diện Đảng, Nhà nước, Quốc hội lại có những lời phát biểu mang tính uy hiếp đe dọa nhân dân và xem những người có ý kiến góp ý chân tình là đối tượng “suy thoái” cần phải ngăn chặn xử lý. Sau cùng thì ông Tổng Lú lại thẳng thắn khẳng định rằng: Hiến pháp là cương lĩnh thứ hai của Đảng cộng sản. Vây nếu Hiến pháp là cương lĩnh của Đảng thì sao ông Nguyễn Sinh Hùng lại dám vượt mặt Đảng để đưa ra dân lấy ý kiến? Nếu là cương lĩnh của Đảng thì chỉ Đảng của các ông bàn thảo thôi chứ; sao lại lừa mỵ nhân dân và quốc tế như vậy?

Và sau những nạt nộ đó, đảng viên lại im bặt; đại biểu Quốc hội lại im bặt; nhân dân nói chung cũng im bặt. Ấy mới biết rằng trẻ con sợ Cáo Cộ thế nào thì nhiều người dân Việt Nam ngày nay cũng sợ Đảng cộng sản như vậy. Loài cáo thường ẩn mình trong bụi rậm để chờ khi con người sơ hở là chúng đột nhập để bắt gà bắt vịt; còn Đảng Cộng sản hôm nay thì nấp mình trong cái chủ nghĩa Mác-Lê và bản Hiến Pháp độc quyền để tìm mọi cơ hội ăn cướp của nhân dân. Điều hơi lạ là: trong khi trẻ con nghe tới Cáo Cộ thì sợ rúm vì không biết mặt mũi loài cáo thế nào, nhưng người lớn thì đã thấy quá rõ bộ mặt của Đảng Cộng sản rồi sao vẫn còn sợ?

Có phải người ta sợ vì chúng có khả năng cướp nhà, cướp đất của dân, ăn chặn cả tiền xương máu của người đã chết? Chẳng còn gì mà chúng không đục khóet của nhân dân. Chúng nhượng cả đất đai, tài nguyên, biển đảo cho ngoại bang để kiếm lời…

Nhưng nếu cứ ngồi yên trong sợ hãi chúng ta sẽ tiếp tục mất thêm nhiều nữa. Đất nước mất thêm lãnh thổ, chủ quyền. Dân mất thêm từ tài sản đến tính mạng. Đã đến lúc chúng ta học lại cái tiến trình đã giúp mình vượt qua nỗi sợ Cáo Cộ khi còn nhỏ. Đối với tôi, nhận thức ’bất kể loài cáo nào, dù to lớn tới đâu, thì chúng vẫn chỉ là loài cáo, không thể hơn người được’ đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ. Và nay, với cùng hướng suy nghĩ đó, tôi thấy rằng: Dù núp dưới danh nghĩa hay mỹ từ gì thì lãnh đạo Đảng cộng sản vẫn đang là kẻ cướp đối với dân tộc Việt Nam. Họ cướp đi tất cả những gì đương nhiên thuộc về mỗi người Việt Nam, mà quan trọng nhất là các quyền con người và đặc biệt quyền tự cai trị lấy đất nước của mình qua lá phiếu dân chủ. Càng ngày lãnh đạo đảng càng khó che giấu bản chất "kẻ cướp" của họ trước mắt tập thể đảng viên và nhân dân bất kể nỗ lực của Ban Tuyên giáo, của guồng máy tuyên truyền, của cả trăm ngàn dư luận viên và công an mạng, ....

Đã đến lúc chúng ta cần thấy rõ nỗi sợ trong lòng những người biết họ chỉ là những "kẻ cướp" ở đất nước này. Xin hãy làm người lớn thật sự, đứng thẳng lưng trên quê hương CỦA CHÚNG TA. Đừng cứ mãi sợ Đảng như trẻ con sợ Cáo Cộ nữa.

Thanh hóa
2/12/2013
Nguyễn Trung Tôn
ĐT 01628387716

Nguồn: DienDanCTM

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Liên Hiệp Quốc phán quyết CSVN bắt giam Ls. Lê Quốc Quân tùy tiện

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Kêu Gọi Trả Tự Do Cho Nhà Hoạt Động Blogger Việt Nam

Ngày 2 Tháng Mười Hai 2013

Việc giam giữ một blogger Việt Nam, và là luật sư, nhà hoạt động nhân quyền Lê Quốc Quân đã bị Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng chỉ trích là vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng.

Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, do Cao Ủy Nhân Quyền LHQ thành lập, đã đưa ra phán quyết rằng Lê Quốc Quân trở thành mục tiêu tấn công vì việc hoạt động và viết blog. Ủy Ban kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức, hoặc bản ản phải được xem xét lại bởi một tòa án độc lập. Ủy Ban còn đề nghị Việt Nam phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Quốc Quân vì việc bắt giữ tùy tiện này.

Trong lúc ông Lê Quốc Quân đi tù vì bị cho là trốn thuế, Ủy Ban nhận thấy rằng việc giam giữ ông có thể là “hệ quả của việc ông thực thi các quyền tự do được luật pháp nhân quyền quốc tế bảo đảm” và “có liên hệ đến các bài viết blog về quyền chính trị và dân sự”. Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện nói thêm là “với quá trình hoạt động về nhân quyền và viết blog, mục tiêu thực sự của việc giam giữ và truy tố ông cuối cùng chỉ là trừng phạt về việc thực thi quyền hạn [tự do ngôn luận] của ông và răn đe những người khác không được làm vậy.”

Phán quyết của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện là để trả lời cho kiến nghị đệ đơn từ các tổ chức Media Legal Defence Initiative, Media Defence-Southeast Asia, Lawyers for Lawyers, Avocats Sans Frontières, Front Line Defenders, Access, English PEN, Reporters Without Borders, the Electronic Frontier Foundation, ARTICLE 19, Index on Censorship and Lawyers’ Rights Watch Canada.
Các tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân theo quyết định của Ủy Ban Điều Tra về Bắt giữ Tùy tiện và trả tự do cho ông Lê Quốc Quân ngay lập tức. Họ lập lại nhận định là việc kết án và giam giữ ông Lê Quốc Quân là tùy tiện và vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, quyền xét xử công bằng và những quyền hạn của một nhà hoạt động nhân quyền.

Phán quyết của Ủy Ban (A/HRC/WGAD/2013) có thể tải xuống từ trang web của Media Legal Defence Initiate nơi đây.

Ghi chú cho các biên tập:
  • Ông Lê Quốc Quân bị bắt vào ngày 27 tháng Mười Hai năm 2012 về tội cáo buộc trốn thuế vô căn cứ. Sau khi bị bắt, ông bị giam biệt tăm và không được phép gặp luật sư trong hai tháng. Lời yêu cầu của gia đình đi thăm bị liên tiếp từ chối. Ông Quân lần đầu tiên gặp người nhà trong phiên xử 2 tháng Mười năm 2013. Phiên xử này kết tội ông trốn thuế lợi tức công ty và kết án 30 tháng tù giam và nộp phạt 1.2 tỷ đồng (khoảng USD 59,000). Ông Quân đã kháng án lên tòa phúc thẩm.

  • Chính quyền Việt Nam đã đàn áp ông Lê Quốc Quân từ lâu vì các hoạt động nhân quyền. Năm 2007 sau khi bênh vực cho nhiều nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, ông bị tước quyền luật sư vì tình nghi có “những hoạt động lật đổ chế độ”. Ông đã bị bắt giữ nhiều lần vì tiếp tục các hoạt động nhân quyền. Ông phải đi bệnh viện sau khi bị kẻ lạ hành hung vào tháng Tám 2012. Công an đã lờ đi không điều tra vụ hành hung này.
Xin liên lạc để biết thêm chi tiết:
  • Nani Jansen, Senior Legal Counsel, Media Legal Defence Initiative
  • Gail Davidson, Executive Director, Lawyers’ Rights Watch Canada
  • Adrie van de Streek, Executive Director, Lawyers for Lawyers
  • Jochai Ben-Avie, Policy Director, Access Now
  • HR Dipendra, Director, Media Defence – Southeast Asia
  • Eva Galperin, Senior Policy Analyst, Electronic Frontier Foundation
  • Benjamin Ismail, Head Asia-Pacific Desk, Reporters Without Borders
  • Mary Lawlor, Executive Director, Front Line Defenders
  • Cat Lucas, Writers at Risk Programme Manager, English PEN
  • Nathalie Muller Sarallier, Avocats Sans Frontières Network
  • Kirsty Hughes, Chief Executive, Index on Censorship
  • Thomas Hughes, Executive Director, Article 19

Tiền và máu!

Tạp ghi Huy Phương

“Ưu điểm” của chế độ CHXHCN hôm nay:
Cái gì cũng có thể bán và không có gì không mua được!

Trong nghìn chuyện quái đản xảy ra ở Việt Nam lâu nay, bây giờ lại có thêm một chuyện quái đản nữa, là có lẽ rồi đây, thanh niên có thể tránh chuyện đi lính bằng cách đóng tiền, nói rõ là từ nay thanh niên Việt Nam sẽ góp đồng tiền thay việc góp máu cho quốc gia. Một trung tướng CSVN, cũng là dân biểu Quốc Hội, chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng-An Ninh, ông Trần Ðình Nhã, đã có dự thảo như thế để sửa đổi “Luật Nghĩa Vụ Quân Sự”.


Phải chăng đây là một hình thức hợp thức hóa cho những tệ nạn lo lót tiền để khỏi phải đi “nghĩa vụ” cho phường đội, huyện đội và những người trong hội đồng tuyển “nghĩa vụ quân sự” lâu nay, cũng như người ta đã có ý kiến đề xuất cho hợp thức hóa nghề mãi dâm.

Chuyện này hẳn có lợi cho một lớp người có đặc quyền, đặc lợi tham ô có tiền, lớp người làm thương mãi buôn bán, mánh mung trục lợi từ nhân dân, sẽ dùng tiền để che chở cho con cháu họ khỏi ra chiến trường. Số phận “anh hùng” từ nay sẽ dành cho đám quần chúng nghèo hèn, hẩm hiu này, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không có tiền đóng cho đảng và chính phủ, chỉ có phần máu và thân xác nhỏ nhoi, cống hiến cho tổ quốc thay cho lớp có tiền. Cuối cùng chỉ có nhân dân khốn khổ phải phơi thây, còn nơi ấm cúng và chỗ ngồi tốt lành dành cho con cái đảng.

Dù chính sách của Cộng Sản lâu nay vẫn tìm cách chỉ trích, bôi xấu chế độ tư bản, thực dân xâm lược hay chế độ tự do miền Nam thế nào đi nữa, nhưng đứng trên cương vị của một công dân phục vụ cho tổ quốc, chế độ CSVN hiện nay còn phải mở mắt học hỏi thêm nhiều bài “công dân giáo dục” và đạo làm người của những phe mà họ cho là kẻ thù.

Tôi xin kể chuyện hai gia đình “kẻ thù” điển hình mà có lẽ chiến sử Cộng Sản ghi rõ hơn ai hết về tư cách phục vụ cho tổ quốc của những thanh niên “anh hùng” không hề núp bóng ô dù, không hề có chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con!”

Chúng ta đã biết mặc dù mang cấp bậc đại tướng trong quân đội Pháp, Jean de Lattre de Tassigny có con trai là Thiếu Úy Bernard, được đưa đến chiến trường Ðông Dương năm 1949, một nơi được xem là có những trận chiến ác liệt, và đã tử trận tại Ninh Bình trong một cuộc tấn công của Việt Minh, năm 1951, khi mới 23 tuổi. Ông nội và cha của Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ John McCain đều từng là đô đốc bốn sao của Hải Quân Hoa Kỳ, nhưng gia đình này không phải là cái dù, để cho Thiếu Tá McCain khỏi phải bay dưới hỏa lực phòng không của Hà Nội và bị bắn rơi năm 1967.

Nhìn về phía VNCH, Ðại Úy Phi Công Phan Quang Tuấn bị bắn rơi tại mặt trận Quảng Trị, trong khi thân phụ ông, Bác Sĩ Phan Quang Ðán, một thời là quốc vụ khanh và bộ trưởng, thừa quyền lực để mang con trai về một nơi an toàn. Phan Xuân Hiệp, sĩ quan Nhảy Dù, rồi Biệt Ðộng Quân, đụng trận, bị thương ở chiến trường Cheo Reo, Phú Bổn, là con trai của con trai Tướng Phan Xuân Nhuận, chỉ huy trưởng BÐQ.

Về phía Cộng Sản miền Bắc, nơi mà “ra ngõ gặp anh hùng,” “danh tướng” Võ Nguyên Giáp, có hai người con trai đều không dính líu gì đến súng đạn. Con trai trưởng tên Võ Ðiện Biên, một cái tên rất “ấn tượng,” sinh năm 1954, nhưng xong trung học phổ thông, khoảng năm 1971, trong khi thanh niên miền Bắc đang đổ máu, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” ông con này đã được bố gửi sang học ở Học Viện Kỹ Thuật Hàng Không Giucopxki ở Liên Xô.

Học viện này là trung tâm hàng đầu đào tạo cán bộ cho ngành khoa học hàng không và nghiên cứu hàng không vũ trụ. Ra trường, trở về phục vụ cho quân đội, nói cho oai, nhưng lại nằm trong một cái vỏ bọc bằng nhung được gọi là ngành khoa học công nghệ... Bây giờ Võ Ðiện Biên là giám đốc công ty cổ phần Ðông Sơn, chuyên cung cấp các thiết bị máy móc kỹ thuật cho các cơ quan, doanh nghiệp.
Con trai út là Võ Hồng Nam (1956), tốt nghiệp Ðại Học Bách Khoa, hiện là giám đốc công ty cổ phần máy tính truyền thông Hồng Nam. Năm 1984, ông Võ Hồng Nam sang Hungary làm thực tập sinh kỹ sư công nghệ ở liên hiệp vi điện tử MEV, Buddapest, rồi kỹ sư lập trình ở viện nghiên cứu máy tính và tự động hóa Buddapest. Về nước, ông trở thành giám đốc công ty này, một doanh nghiệp làm ăn phát đạt.

Chính vì điều gì cũng nhân danh nhân dân, nhất là nhân dân thuộc loại bần cùng, đói khổ nên nhân dân phải chịu nhận vinh dự chết cho tổ quốc, để những “con ông, cháu cha” những kẻ quyền lực và có tiền ung dung ra ngoại quốc hay được điều động về trung ương, giữ những chức vụ béo bở.

Nếu đóng tiền để khỏi đi lính, thì rồi đây chính phủ sẽ ấn định bao nhiêu cho mỗi người để gọi là đủ: $500, $1,000 hay $10,000 cũng là quá rẻ để nằm trong chăn ấm, nệm êm, tránh được chuyện xa nhà, nỗi nhọc nhằn tập luyện tại quân trường, và những nguy hiểm lúc đất nước có chiến tranh. Chỉ còn lại là đám “nhân dân anh hùng” đi bộ đội cho có cơm ăn và sẵn sàng chết cho đứa có tiền.

Chúng ta thường mỉa mai lên án những lực lượng lính đánh thuê cho một đất nước không phải của mình, như Quân Ðoàn Lê Dương Pháp (FFL) mà toàn bộ binh lính được tuyển mộ từ nước khác, như 400 người Nga đang chiến đấu như lính đánh thuê ở Syria, như Blackwater, đoàn lính đánh thuê thiện chiến của Mỹ...

“Quân đội Cụ Hồ” rồi đây sẽ là một đoàn quân đánh thuê: Không phải là thứ đánh thuê cho một quốc gia khác, mà đây là đánh thuê cho giai cấp, giai cấp bần cố nông đánh thuê cho giai cấp cầm quyền, tư bản, là những kẻ bỏ tiền ra để mua máu người khác thay vì phải đổ máu của mình ra. Những người nghèo không có tiền đóng cho chính phủ sẽ cầm súng đánh thuê cho những kẻ có tiền bỏ ra thuê!
Ðó là “ưu điểm” của chế độ hôm nay: Cái gì cũng có thể bán và không có gì không mua được!

Nguồn: Người Việt

“Ý đảng lòng dân” thời hiện tại

Đức Thành
 
Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua hiến pháp với tỷ lệ tán thành cao ngất ngưởng, vị đứng đầu đảng và Quốc hội thỏa mãn ra mặt, mặc dù trước đó vẫn còn thừa nhận “còn những ý kiến khác nhau” trong quốc hội.

Điều này chứng tỏ hoặc là có chỉ thị ngầm nào đó chỉ thị cho các đảng viên là đại biểu Quốc hội, hoặc là có sự o ép nào đó, hoặc cũng rất có thể tỷ lệ ấn nút tán thành bị chỉnh sửa…

Tóm lại đó là con số hoài nghi, vì chính người đứng đầu Quốc hội đã thừa nhận trong quá trình họp là “còn rất nhiều ý kiến khác nhau”. Bởi khi đang còn rất nhiều ý kiến khác nhau mà lại đem biểu quyết (ấn nút) một cách vội vã như vậy, rồi lại công bố có sự đồng thuận cao thì họa là những ông bà nghị đã ấn nút tán thành đó trong đầu chẳng có tý nếp nhăn nào. Giả sử có nếp nhăn trong đầu đi nữa thì một bên là “cây gậy” và một bên là “củ cà rốt” khiến những con thỏ nghị trường phải bảo toàn cái dạ dày là điều dễ hiểu.

Việc đã rồi, cũng chẳng ai muốn bàn thêm kể cả kẻ hân hoan vui mừng lẫn người ngậm ngùi chấp nhận một cách miễn cưỡng kết quả này. Nhưng thật bẽ bàng cho việc thông qua bản hiến pháp “tiến bộ” có “tính lịch sử”, bởi đáng lẽ đảng, nhà nước phải ăn mừng thời khắc “lịch sử” chiến thắng lớn lao khi đảng đã lãnh đạo được quốc hội thông qua bản hiến pháp sau 5 tuần “lịch sử” –như vị Chủ tịch Quốc hội đã nói, với thắng lợi lớn lao như thế đáng lẽ đảng phải tuyên truyền vận động toàn dân, rồi toàn hệ thống chính trị phát huy tính “đồng thuận cao” để mà phải ca ngợi thành tích (thắng lợi) này, nhưng không giống như truyền thống đảng vẫn làm xưa nay là bắt dân phải ăn mừng những chiến thắng của đảng, mới chỉ sau một, hai ngày khi bản hiến pháp “lịch sử” đó được thông qua, tuyệt nhiên chẳng có tờ báo lớn nào của đảng và nhà nước như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân… đề cập, đưa tin đến sự “thông qua hiến pháp” lịch sử đó nữa. Điều này giúp cho dân Việt chúng ta hiểu hơn sự nhố nhăng trong công tác lập hiến và lập pháp của nhà nước do Đảng lãnh đạo. Và điều này cũng cho chúng ta thấy các cơ quan truyền thông của đảng được nhà nước nuôi đàng hoàng nhưng chẳng còn tính chủ động sáng tạo trong công tác tuyên truyền của đảng.

Thử tìm ý nghĩa thực của “ý đảng lòng dân” hiện nay

Ngay sau khi có kết quả của việc thông qua Hiến pháp, ông Nguyễn Phú Trọng đã trả lời tờ báo Người đại biểu nhân dân rằng số phiếu được thông qua với kết quả đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý “ý đảng lòng dân”.

Không biết ông Trọng hiểu “ý đảng lòng dân” theo nghĩa nào, mà không thấy giải thích thấu đáo xem cái “ý” và cái “lòng” của “đảng” và của “dân” có gặp nhau để hòa quyện vào nhau thành một, thành ý chí, sức mạnh dân tộc, hay nó đã là “ý của đảng” một đằng “lòng của dân” thì đã một nẻo.

Lần trở ngược về trước trong quá trình lấy ý kiến nhân dân cả nước góp ý vào dự thảo hiến pháp thôi cũng đã thấy ý đảng và lòng dân chẳng theo như cách hiểu của ông Trọng, và vì thế ông Trọng đã tặng lại nhân dân của mình câu nói “bất hủ” đến nỗi không còn gì lú hơn là “đòi đa nguyên đa đảng là suy thoái!”.

Khi một bộ phận trí thức công bố kiến nghị sửa đổi, được đông đảo nhân dân nhất là những tầng lớp ưu tú đề cao hưởng ứng, thì đảng cũng vội vã in ấn tài liệu thông qua hệ thống chính trị của đảng, vội vã họp dân rồi vội vã công bố những con số khủng về góp ý dự thảo để đánh lừa dư luận và làm đối trọng với số lượng người đã ủng hộ bản kiến nghị 7 điểm và bản hiến pháp mẫu mà nhóm trí thức 72 đã kiến nghị đến Ban sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội.

Phải chăng ý đảng là cứ làm thủy điện đại trà còn ngập lụt trong dân thì kệ, miễn là “thủy điện của đảng xả lũ đúng qui trình”, còn lòng dân oán thán thì kệ lòng dân. Đảng và nhà nước đã có chính sách cứu tế, thăm hỏi động viên rồi hỗ trợ kịp thời!???

Phải chăng ý đảng là sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước không từ một ai, nên những kẻ thù dù được tiền nhân cảnh báo là “truyền kiếp” thì họ vẫn là bạn mà lại là bạn tốt, nên chẳng cần phải đề phòng, còn lòng dân thì cứ bất an trên biển, trên biên...

Phải chăng ý đảng là kinh tế nhà nước phải là chủ đạo, thì cho dù làm ăn thua lỗ nợ nần chồng chất đời nay dân không trả được thì đời sau, còn lòng dân chỉ việc è cổ mà đóng thuế hoặc cống nạp bất kể những thứ gì mà có người thay mặt đảng cần.

Phải chăng ý đảng là trời sinh voi (hay dân sinh đảng) thì nhân dân (đất nước) phải sinh cỏ, nên tài nguyên thiên nhiên của tổ quốc Việt Nam đều bị đảng tận thu khai thác đem bán nguyên liệu thô mà bất cần biết hậu thế người Việt Nam mai sau sống chết mặc bay ra sao. Còn lòng dân dù có kêu than thì cũng chẳng thể nào thấu… cũng nghĩ ấy ý của đảng là dân càng nuôi công chức của đảng và cán bộ của đảng càng nhiều càng tốt mặc kệ biên chế phình to bao nhiêu đảng không cần biết chỉ cần biết lòng dân có ấm ức thật đấy nhưng không thể để dân kêu mà có kêu thì phải tìm cách bịt! Vì vậy đã lâu rồi dân Việt ít có ai dám phản biện lại những quyết sách của đảng và chính phủ (thực chất vẫn là của đảng), nên những sai lầm khiếm khuyết, thậm chí là tội ác, vẫn được người của đảng giải thích đó là chủ trương đúng nhưng người thực hiện làm sai. Nhân dân đã quá nhàm với hai câu ca dao rằng:

Mất mùa là bởi thiên tai
Được mùa nhờ tại thiên tài đảng ta”

Đọc hai câu ca dao này mới thấm thía hết ý nghĩa câu nói «ý đảng lòng dân» được các lãnh đạo của đảng hay dùng với cái nghĩa lấp lửng đến vậy.

Chừng nào tính lấp lửng theo kiểu «khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống» mà đảng đang dùng để trị lại những người bất đồng chính kiến và lôi kéo những phần tử a dua, tạo lên những nhóm lợi ích câu kết nhau chia sẻ quyền lực thì đất nước này còn mãi hai từ «mạt vận».

Nguồn: Bauxite Việt Nam