Nguyệt Quỳnh
Nhớ em vội vàng trong nắng trưa
Áo phơi trời đổ cơn mưa (Một Mình – Thanh Tùng)
Văn chương Việt Nam rất ít những bài thơ nói về người vợ, và nếu có chỉ là những nét phác hoạ rất mờ nhạt như hai câu trong bài hát trên. Khi chồng nhớ vợ, anh không nhớ đến mái tóc, bờ môi, nhan sắc của nàng; ký ức của anh là hình bóng vội vã của vợ trong cơn mưa chợt đổ bất ngờ. Lạ thay, nắng mưa và nỗi nhớ trong hai câu trên lại làm cho chúng ta hình dung ra hình ảnh rất dịu dàng và tình yêu thắm thiết dành cho chồng của người được nhớ tới. Tựa như chúng ta chưa từng một lần được nhìn thấy bà Tú Xương, nhưng những câu thơ của thi sĩ Tú Xương về người vợ của ông lại vẽ rất tròn chân dung những hiền phụ Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà dù ít ỏi, mỗi bài thơ, bài nhạc viết về hình ảnh người vợ lại làm nỗi xúc động của chúng ta sâu lắng hơn chăng!?
Đất nước chúng ta chiến tranh triền miên, thời đại nào cũng có những người vợ lính. Do hoàn cảnh phải đối đầu với một quốc gia khổng lồ mang tư tưởng Đại Hán, lúc nào cũng muốn nuốt chửng những quốc gia láng giềng; vì vậy sự sống còn của dân tộc luôn luôn bị thử thách. Chính những thử thách này đã nảy sinh tinh thần bất khuất, tự cường để bảo vệ tổ quốc của cha ông ta tự ngàn xưa. Đi bên cạnh cuộc đời của những con người nghĩa dũng đó là hình bóng thầm lặng của người phụ nữ. Những thân cò lặn lội, những lên thác xuống gềnh cùng chồng theo vận nước là hình ảnh đằm thắm nhưng mạnh mẽ một cách lạ lùng của người phụ nữ Việt. Ngoài những người cùng chia chung lý tưởng với người yêu như cô Giang hay cùng gánh trách nhiệm như bà Ba Đề Thám, còn biết bao nhiêu những người vợ yêu chồng, dám sống, dám hy sinh cả cuộc đời mình trong lặng lẽ như cụ bà Phan Bội Châu. Tôi nghĩ không cần ai gieo vần, họ chính là những vần thơ thầm lặng đã tạc vào tháng năm của lịch sử.
Nhưng những tấm gương hy sinh trong âm thầm đó không chỉ dừng lại trong sử sách. Tôi thấy những bóng hình này đang sống giữa chúng ta hôm nay.
Trong lúc dư luận trong và ngoài nước đang chú tâm đến người luật sư nhân bản Lê Quốc Quân cùng những gì anh đã và đang hy sinh cho người khác, ít ai biết đến bên cạnh anh còn có sự hy sinh thầm lặng của chị Nguyễn thị Thu Hiền. Đây không phải lần đầu Ls Quân bị bắt. Tháng ba năm 2007 khi từ Mỹ trở về, anh bị bắt ngay vì đã tham gia một khoá học từ học bổng của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy).
Sau đó, năm 2011 anh lại bị bắt cùng với bác sĩ Phạm Hồng Sơn khi đang trên đường đến hỗ trợ Ts Luật Cù Huy Hà Vũ trong ngày xử ông. Là vợ anh, chị Hiền đã phải chấp nhận sống từng ngày căng thẳng, từng đêm lo âu với chồng. Ở giữa các lần tù là những lần chồng chị bị công an đánh đập khi tham gia một buổi diễn hành đòi đất với người công giáo. Rồi vụ côn đồ chận đường đánh lén ban đêm khi anh đang trên đường về nhà. Chưa kể đến những hù dọa ban ngày, những xách nhiễu thường xuyên đối với bản thân anh và gia đình. Và ngày 2/10/2013 tới đây, chị lại chuẩn bị mọi chuyện như hàng ngày cho con cái, trước khi vội vã chạy đến tòa tranh đấu để có thể vào dự phiên xử chồng mình.
Những người vợ chân yếu tay mềm như chị Thu Hiền, chị Nga vợ nhà văn Nguyễn xuân Nghĩa, chị Dương Hà vợ Ts luật Cù Huy Hà Vũ, v.v... lấy sức mạnh ở đâu để vượt qua những thử thách lớn như thế? Tôi còn nhớ chị Nga vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bật khóc ngay tại phiên toà khi nghe chồng chị bị bản án sáu năm tù chỉ vì bày tỏ lòng xót xa trước phần biển đảo đã mất vào tay Trung Quốc. Anh Cù Huy Hà Vũ cũng thế. Anh Điếu Cày cũng vậy, .... Những bản án khắc nghiệt, vô lý đã phủ chụp xuống những người chồng thương yêu của các chị. Rồi tiếp sau bản án của chồng, các chị lại phải đối mặt với những sách nhiễu, những thủ thuật bao vây kinh tế của côn an, …
Để có thể đối diện với những gánh nặng và thử thách quá lớn như thế, tôi tin sức mạnh đó phải đến từ sự kính trọng và tình yêu tha thiết dành cho chồng; từ ngọn lửa yêu nước, yêu người, và niềm tin sắt đá của các anh vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Và ngược lại, trong giai đoạn gian nan này, sự sắt son, vững vàng của các chị cũng vô cùng cần thiết cho người chồng nơi tuyến đầu tù ngục. Tôi đã nhìn thấy điều đó qua thái độ của chị Dương Hà trước sự việc Ts Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, và liền sau đó là thái độ của chị Tân qua trường hợp của anh Điếu Cày. Có người vợ nào không xót xa khi biết chồng mình đã tuyệt thực lâu như vậy trong hoàn cảnh khắc nghiệt của trại giam. Cái đau của các chị là cái đau của dao cắt vào da thịt từng ngày; tuy nhiên những người phụ nữ ấy đã vượt qua được nỗi sợ hãi của họ. Còn chúng ta thì sao?
Mới đây, một trí thức được mời tham dự Hội thảo về Biển Đông ở Quảng Ngãi đã tiết lộ với giáo sư Hà Văn Thịnh rằng ông cảm thấy đau đớn và nhục nhã khi biết ngư dân ta, mỗi lần đi đánh bắt xa bờ sẽ phải gặp nguy hiểm với tàu hải giám Trung Quốc. Ông bảo có lẽ muốn sống còn, muốn được an toàn ngư dân ta phải treo cờ Trung Cộng. Những khuất lấp nghe được trong buổi hội thảo ông chỉ dám chia sẻ riêng với bạn mình. Tôi tự hỏi ví như chỉ cần mỗi người cán bộ trong buổi hội thảo đó đứng lên phát biểu về sự quan tâm của họ, về nỗi đau của họ đối với trường hợp các ngư dân, chắc chắn mọi việc đã đổi khác.
Sự hiện hữu của nhân loại đến ngày hôm nay là bằng chứng vĩ đại về chiến thắng của cái thiện vượt trên cái ác. Và riêng dân tộc Việt Nam thì kết cục đó càng đúng hơn nữa vì đây không phải là một dân tộc khiếp nhược. Tôi nghĩ đến hình ảnh của Ls Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn khoác chặt tay nhau trên đường đến dự phiên toà của Ts Cù Huy Hà Vũ. Chỉ cần những hành động bình thường như thế, của rất nhiều người bình thường khác, chắc chắn đất nước sẽ thay đổi.
Xin cám ơn những giọt nước mắt của chị Nguyễn thị Thu Hiền hằng đêm. Xin cám ơn chị Nga, chị Dương Hà, và hàng trăm các chị khác. Cám ơn các chị đã đứng cùng các anh. Những hy sinh của các chị đã tặng dân tộc chúng ta thêm những ngọn nến hy vọng trong những tháng ngày đen tối này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét