Từ chủ quyền ngôi đền Preah- Vihear của Cambodia đến chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam
Binh sĩ Campuchia đứng gác tại lối vào ngôi đền Preah Vihear |
Bản tin thời sự VTV, đài truyền hình VN, hôm trước đưa tin Tòa án Quốc tế La-Hay (Hà Lan), tuyên bản án, qua đó GIAO QUYỀN QUẢN LÝ ngôi đền cổ có tuổi đời hàng ngàn năm cho nhà nước Cambodia - ngôi đền PREAH-VIHEA
Điều đó đồng nghĩa với việc Quốc tế công nhận Quyền sở hữu ngôi đền, là tài sản, là phần lãnh thổ của Cambodia.
Chúng ta biết ngôi đền cổ này từng xảy ra tranh chấp giữa Thailand và Cambodia nhiều năm qua. Xung đột từng xảy ra ác liệt giữa quân đội hai nước. Đây là ngôi đền cổ có giá trị lớn về mặt kiến trúc, là tuyệt phẩm được xếp hạng di sản văn hóa nhân loại bởi UNESCO. Dĩ nhiên, nguồn lợi mà nó đem lại từ nguồn thu du lịch là không hề nhỏ.
Thế nên xảy ra tranh chấp là điều dễ hiểu.
Ngôi đền có vị trí nằm trên biên giới giữa hai nước Thailand và Cambodia.
Về lối kiến trúc, nhất là kiến trúc các ngôi đền chùa trên lãnh thổ hai nước, khó mà phân biệt được một ranh giới rõ ràng
Nếu như sự việc chỉ được giải quyết song phương, sẽ chẳng ai nghi ngờ phần thắng (Kể cả trên lĩnh vực quân sự, kinh tế lẫn ngoại giao) không thuộc về Thailand.
Nhưng giờ đây, ngôi đền cổ rất có giá trị này đã được trả lại cho chủ nhân đích thực của nó - Nhà nước Cambodia.
Nhìn vào thế và lực của mình; Nhìn vào vị trí của ngôi đền trên sát biên giới hai nước; Nhìn vào lối kiến trúc… có lẽ đã có lúc người dân Cambodia không khỏi nản lòng buông xuôi!?
Vậy mà họ đã vừa được ăn mừng chào đón tin thắng lợi bởi sự phán quyết của Quốc tế dành cho họ.
Điều đáng nói nữa là sau phán quyết của Tòa án La-Hay, thủ tướng Thailand đã tuyên bố chấp thuận phán quyết quốc tế, cam kết thực thi phán quyết của Tòa.
Thủ tướng Cambodia, ông Hun-sen có lời phát biểu ngắn gọn, có giá trị thiết thực ngay sau sự kiện này: Ông yêu cầu quân đội hai phía đang đóng trên địa bàn phải bảo vệ an ninh, tránh xung đột…
Trên thế giới, sự tranh chấp lãnh thổ xảy ra nhiều nơi, với mức độ phức tạp khác nhau, kéo dài, và nhiều khi đi vào bế tắc.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN là một trong những sự kiện tranh chấp lãnh thổ kể trên.
Nếu xét về bằng chứng, thì VN chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của mình, xem ra không nan giải như Chính phủ Cambodia từng gặp với sự kiện ngôi đền tranh chấp PREAH-VIHEAR.
Cho tới trước năm 1974, Hoàng Sa vẫn thuộc về VN, được cai quản bởi Quân đội của nhà nước phong kiến, và sau này là chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Bằng chứng là sự hy sinh anh dũng của các sỹ quan và binh lính Việt Nam cộng hòa trong cuộc hải chiến đẫm máu, chống lại quân đội cộng sản Trung Quốc xâm lăng tháng 1 năm 1974.
Xác những người lính Việt Nam cộng hòa; Xác những con tàu Nhật Tảo, Lý Thường Kiệt có thể không còn.
Nhưng sự kiện hy sinh anh dũng của anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội của anh chống giặc Trung Cộng bành trướng thì mãi còn đó, không chỉ đóng ấn trong trái tim người Việt, mà còn có trong hồ sơ cần tìm, cần lưu trữ của Quốc Tế.
Và gần đây là những bản đồ cổ được tư nhân (Chứ không phải nhà nước VN) sưu tầm và đưa ra trưng bày. Đó là những tấm bản đồ rất có giá trị khẳng định Trung Quốc phong kiến thời Nhà Thanh và Trung Quốc cộng sản thời cận đại chưa bao giờ là chủ nhân của Hoàng Sa.
Có cần phải “Cắp ca-táp” sang Cambodia để học hỏi kinh nghiệm của họ trong việc đòi hỏi cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình?
Nên lắm, nếu ta không kiêu ngạo, nếu “Ta” thực sự nóng lòng sốt ruột đòi lại Hoàng Sa…
Nhưng trước khi cắp cặp đi, thiết nghĩ “Ta” phải từ bỏ tư duy kẻ xâm lược cưỡng chiếm Hoàng Sa thân yêu của ta là mạnh hơn ta nhiều lắm. (Nó đã bao giờ yếu hơn ta trong hàng ngàn năm qua?). Thay vào đó phải là niềm tự hào ta đánh nó và thắng nó nhiều lắm rồi, còn làm ơn tha mạng cho ông cha chúng nữa.
Đó là trước đây cả ngàn năm, cả trăm năm, khi ta chỉ có ta, khi ra trận, dù là trận địa ngoại giao hay trận chiến nơi chiến địa, chỉ có một chọi một, chỉ ta với địch.
Vậy mà ta đã thắng.
Huống hồ ngày nay còn có Liên Hợp Quốc, còn có Hoa Kỳ và Tây phương văn minh. Dễ gì cá lớn muốn nuốt cá bé là nuốt được ngay, là trôi ngay…
Ít nhất thì cũng nên từ bỏ ngay tư tưởng giải quyết song phương, hay coi Trung Quốc là bạn bốn tốt là chủ trương lớn của đảng. (Có thể là chủ trương lớn của đảng, chứ quyết không là “Chủ trương lớn” của dân tộc VN!).
Hãy bỏ ngay cái khẩu hiệu “Góp đá xây dựng Trường sa”, bởi vì nói thế chính là hình thức gián tiếp công nhận Hoàng Sa không của ta nữa. Nó đồng lõa với tuyên bố của kẻ nào đó vẫn từng lớn tiếng kêu gọi “Giữ nguyên hiện trạng…” trong vấn đề giải quyết tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Cambodia là nước nhỏ, đang rất nghèo do hậu quả của cuộc diệt chủng do cộng sản Căm Pu Chia - bọn Khơ me đỏ gây ra.
Họ không cần phải mua sắm tàu ngầm
Họ không cần xác định Thailand là bạn bốn tốt.
Nhưng họ vẫn đòi lại được PREAH-VIHEAR từ tay kẻ mạnh hơn.
Thực tế đã chứng minh, chủ nghĩa cộng sản không giúp gì cho chúng ta trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. (Trung Quốc là cộng sản nòi vẫn cưỡng chiếm biển đảo và đất liền của ta.). Chúng còn gây ra những cuộc chiến đẫm máu, vô cùng tàn ác một cách gián tiếp (Biên giới Tây Nam), và trực tiếp (6 tỉnh biên giới phía Bắc)…
Hãy học hỏi Cambodia: Vứt bỏ cái gọi là "tinh thần quốc tế vô sản" - "Bốn phương vô sản đều là anh
em"!
Hãy xây dựng một quan hệ Quốc tế thật sự trong sáng.
Biết dựa vào cộng đồng Quốc tế khi lẽ phải thuộc về mình.
Nguồn: Blog Quê Choa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét