Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Đảng mạo nhận và chiếm đoạt quyền lãnh đạo

Phạm Nhật Bình


Đại hội 12 đã chấm dứt từ ngày 28 Tháng Giêng, nhưng trên các diễn đàn nó vẫn tiếp diễn và phơi bày thêm nhiều góc cạnh còn ẩn khuất của một đại hội tranh giành ngôi thứ quyết liệt.

Những hoạt động rầm rộ trong đại hội của một đảng mạo nhận là đảng cầm quyền đã làm tiêu tốn rất nhiều triệu đô-la. Trong bối cảnh ảm đạm của gánh nặng nợ nần, ngân sách cạn kiệt, sự hoang phí cho cuộc đấu đá trên thượng tầng lãnh đạo không khỏi làm người dân chua xót. Một câu hỏi được đặt ra: Đại hội đảng có thực sự là một sự kiện lịch sử của đất nước hay chỉ là một đấu trường, cơ hội cho những kẻ tham quyền cố vị?

Nhưng có người không chịu hiểu như vậy. Đó là ông Phó Giáo Sư kiêm Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng của báo Công An Nhân Dân. Trong bài viết “Sự thất bại của những chiêu trò chống phá, hạ thấp vị trí Đại hội XII của Đảng”, ông Tiến sĩ công an này lu loa không ngượng mồm rằng trong khi nhân dân sôi nổi chào mừng sự thành công của Đại hội đảng thì các thế lực thù địch liên tục chống phá đảng trên các trang mạng xã hội.

Giống như những người cộng sản lạc quan trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa mù mịt, ông Tiến Sĩ công an không thể hiểu tại sao một chế độ tốt đẹp đến thế mà nhìn đâu cũng thấy các thế lực thù địch chung quanh. Trí thức bất đồng chính kiến là thế lực thù địch, các nhà tranh đấu cho quyền lợi công nhân, thậm chí tầng lớp nông dân tay lấm chân bùn cũng là thế lực thù địch.

Năm 1930, sự ra đời của đảng cộng sản không phải là nhu cầu của quần chúng yêu nước chân chính hay của cách mạng Việt Nam mà chỉ là một đảng tay sai ngoại bang. Chính ông Hồ Chí Minh khẳng định tính chất tay sai này qua lời kêu gọi nhân ngày thành lập đảng Cộng Sản: “Nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và thấy có trách nhiệm phải gửi tới anh chị em và các đồng chí lời kêu gọi này” .

Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, ở trang 261 cũng xác định rõ nhiệm vụ của các đảng tay sai như đảng CSVN: "Đệ tam quốc tế là một đảng CS thế giới. Các đảng các nước là như chi bộ để phải nghe theo kế hoạch và qui tắc chung. Việc gì chưa có mệnh lệnh và kế hoạch Đệ tam quốc tế thì các đảng không được làm".

Đấu tố trong thời kỳ cải cách ruộng đất.
Bởi vậy cũng không có gì lạ khi chủ ra lệnh cải cách ruộng đất thì CSVN cải cách ruộng đất. Khi chủ bảo gây chiến tranh để “thiên hạ đại loạn thì (chủ) Trung Quốc được nhờ” là Hà Nội răm rắp làm ngay, bất chấp tình nghĩa dân tộc, đạo lý làm người.

Đảng ấy tâm niệm phục vụ cho quyền lợi của chính những người sinh ra nó. Do vậy, khi thấy quần chúng sợ hãi Cộng Sản thì đảng giấu biệt cái đuôi cộng sản và đã nhiều lần thay tên đổi họ để dễ dàng thực hiện mưu đồ.

Khi nắm trọn quyền thống trị trên cả nước từ năm 1975, đảng triệt để thi hành cưỡng ép bằng bạo lực, biến những lời lẽ hoa mỹ dân chủ tự do thành nhà tù. Sự tàn bạo của đảng không thua kém thời kỳ đô hộ của nhà Hán, nhà Đường, Minh.

Nhân dân nào, lịch sử nào trao quyền lãnh đạo cho đảng? Đó chỉ là sự mạo nhận trơ tráo, dần dà đưa đảng lên ngôi vị thần thánh khiến đảng muốn mọi người cũng như cả thế giới phải coi mình là thần thánh thứ thiệt.

Một sự kiện theo định kỳ của một đảng bị nhân dân thù ghét thì đâu có gì là một “đại sự quốc gia”? Nhất là sự kiện ấy đã trình diễn biết bao mưu mô triệt hạ lẫn nhau giữa những kẻ cầm quyền đầu sỏ.


Suốt trong gần 10 ngày hội họp, người dân không hề nghe trung ương đảng bàn bạc gì đến chủ quyền đất nước hay kế sách kinh tế, tài chính, nâng cao mức sống xã hội. Tất cả chỉ chăm chú vào việc chia chác quanh những chiếc ghế quyền lực, được ẩn náu trong nhóm từ quen thuộc: “vấn đề nhân sự”.
Cho dù được một số dư luận quan tâm theo dõi nhưng không vì thế mà có thể bịa ra chuyện “nhân dân sôi nổi chào mừng”. Chẳng qua trong tình trạng độc đảng một mình một chợ, người dân trong tâm trạng tuyệt vọng cũng tò mò tìm xem một vở chèo rẻ tiền để biết nó kết thúc thế nào.

Không ai quan tâm đến “vai trò” của đảng CSVN đối với đất nước vì chuyện ấy quá thừa. Vai trò ấy đã thể hiện trong hơn 40 năm qua, biến một đất nước nhiều tiềm năng thành lạc hậu với nền tảng là mớ lý thuyết Mác-Lê hoang tưởng đã bị thế giới lên án. Hiện nay, chỉ cần nhìn vào vị trí Việt Nam trong 10 nước Đông Nam Á, ai cũng thấy Việt Nam dưới sự thống trị của đảng đang đứng ở đâu.

Tác giả Nguyễn Mạnh Hưởng đem giai cấp công nhân ra để gắn cho đảng danh hiệu “đội tiền phong của giai cấp”. Nhưng chưa ai chứng minh được rằng Việt Nam trong đầu thế kỷ 20 đã có một giai cấp công nhân đúng nghĩa như Mác nói.

Cứ tạm tin lời ông Hưởng đảng là giai cấp cầm quyền tiến bộ đó thì cũng chưa chắc đảng là người đại diên cho dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, hãy nhìn xem lãnh đạo nào trong đảng hiện nay xuất thân từ giai cấp công nhân?

Có hơn 115 ngàn đi lao động nước ngoài trong năm 2015.

Ngay từ đầu đảng đã tự xác định vai trò tay sai của mình, sau đó khi cái đuôi Cộng Sản ló ra, thì đảng cố che giấu bằng cách mạo nhận, rồi tự vẽ bùa để đeo. Đời sống của công nhân và nhân dân lao động mà tác giả bài viết đề cao, qua đó tôn vinh vị trí của đảng thực tế hiện nay sống ra sao? Hàng năm có bao nhiêu thanh niên nam nữ trong độ tuổi lao động phải chen chúc nhau kiếm một chỗ làm lao động chân tay ở nước ngoài dưới chiêu bài “hợp tác lao động” để đảng ngồi không hưởng lợi?

Hay như đời sống nông dân, cho dù hàng năm Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất cảng gạo, bao nhiêu nguồn lợi thực tế lọt vài túi các cán bộ cơ quan xuất cảng lương thực của nhà nước. Nông dân đến mùa giáp hạt lại thiếu gạo ăn. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao đầu năm 2016, có đến 11 tỉnh xin gạo cứu đói.

Có lẽ ông Phạm Mạnh Hưởng không hề biết tại Đại hội 12 vừa qua, Chủ tich Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã nói lên một sự thật về giới nông dân “5 nhất”: hy sinh nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất, nghèo nhất, hưởng lợi ít nhất và “bức xúc” nhiều nhất. Dĩ nhiên thành phần dân tộc đông đảo nhất này không hề trông đợi gì về sự kiện trọng đại của đảng như ông Hưởng cố tình gán ghép.

Nhai đi nhai lại câu “đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam” tác giả Phạm Mạnh Hưởng chỉ mua được những nụ cười mỉa mai vì câu thần chú ấy không còn bịp được ai.

Nó cho thấy lý luận của các giáo sư tiến sĩ trường đảng ngày nay đã vô cùng bế tắc. Họ không còn có thể bịa ra thêm để vẽ vời tô điểm cho mớ tư tưởng lỗi thời được tán tụng là “ánh sáng của chủ nghĩa
Mác-Lê”.Và quả thật không ai tin đảng CSVN có thể thay đổi được gì khi mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố vẫn “kiên định chủ nghĩa Mác-Lê”.

Dù cố trút nỗi cay cú và hổ thẹn lên đầu các thế lực thù địch, tiến sĩ trường đảng tác giả bài báo cũng không nâng cao được chút nào vị trí thấp kém của một đảng mạo nhận lịch sử để chiếm đoạt quyền lãnh đạo.

Phạm Nhật Bình
Ngày đầu năm Bính Thân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét