Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Thư đầu năm Bính Thân 2016 kính gửi Đồng Bào Việt Nam

Lý Thái Hùng


Kính thưa đồng bào,

Thấm thoát một mùa Xuân mới – Xuân Bính Thân – lại về trên khắp thế gian.

Kể từ Xuân Ất Mão 1975, khi lãnh đạo miền Bắc xua các đợt tấn công vũ lực và thôn tính toàn bộ miền Nam Việt Nam vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có một cái Tết trên một đất nước tự do dân chủ đúng nghĩa.

Những lời chúc nhau hạnh phúc, an bình trên một đất nước gọi là “thống nhất và chấm dứt chiến tranh” vào mỗi dịp xuân về đã thay bằng những lời cầu chúc cho dân tộc ta luôn luôn có đầy đủ nghị lực và quyết tâm, sớm mang lại tự do dân chủ thật sự cho mọi người, mọi nhà.

Trong tinh thần đó, trước thềm Xuân Bính Thân, thay mặt toàn thể anh chị em đảng viên Việt Tân, chúng tôi kính gửi đến đồng bào lời chúc năm mới, trong quyết tâm đoàn kết để sớm tạo những thay đổi tích cực trên đất nước Việt Nam.

Kính thưa đồng bào,

Diễn tiến của sự thay đổi tích cực này đã và đang mở ra nhiều cơ hội, nhất là khi chúng ta có dịp chứng kiến sự đấu đá không khoan nhượng giữa hai phe: phe đảng đứng đầu bởi ông Nguyễn Phú Trọng và phe chính phủ đứng đầu bởi ông Nguyễn Tấn Dũng qua Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 12.

Mặc dù Đại Hội 12 đã kết thúc với phe đảng toàn thắng khi ông Nguyễn Phú Trọng, dù đã 72 tuổi tiếp tục giữ ghế Tổng Bí Thư thêm một nhiệm kỳ; nhưng sự đấu đá đã không chấm dứt mà có thể tạo ra những đợt sóng ngầm trên thượng tầng lãnh đạo lẫn trong nội bộ đảng viên.

Trên thượng tầng lãnh đạo, với bản chất giáo điều, ôm chặt chủ nghĩa Mác Lê-nin, Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục dựa vào Bắc Kinh để kiểm soát quyền lực như nhiệm kỳ vừa qua. Trong khi đó, Nguyễn Tấn Dũng trở về đất Kiên Giang, dùng Phú Quốc như một cơ ngơi riêng đã cho xây dựng trong những vừa năm qua, tập hợp các nhóm lợi ích tạo ra những đợt sóng ngầm chống lại phe nhóm của ông Trọng.

Trong nội bộ đảng, hơn bao giờ hết sự phân hóa giữa các tầng lớp đảng viên sẽ xảy ra một cách cùng cực khi một số đảng viên cảm thấy thất vọng trước sự kiện Nguyễn Tấn Dũng thua cuộc. Ngược lại, một thành phần đảng viên khác lại hả hê vui mừng Nguyễn Phú Trọng giành được ghế Tổng Bí Thư, vì lo sợ các nhóm lợi ích vây chung quanh Nguyễn Tấn Dũng khuynh loát, đe dọa quyền lực của phe đảng.

Nhưng điểm đáng nói trong nội bộ đảng chính là sự xung đột về quyền lợi đã trở thành hạt nhân chính đưa đến sự phân hóa ngày một trầm trọng giữa các ban ngành, giữa trung ương và địa phương và giữa cơ sở đảng với các đoàn thể ngoại vi.

Nói cách khác là đảng Cộng sản Việt Nam, hậu Đại Hội 12 đã và đang khởi đầu một tiến trình phân hóa khi sự đấu đá quyền và lợi giữa các phe đã không còn có thể thỏa hiệp, hay tương nhượng nhau được nữa.

Kính thưa đồng bào,

Đứng trước sự phân hóa của đảng Cộng sản Việt Nam nói trên, chúng ta đổi diện hai vấn đề:

Thứ nhất là các phe sẽ tung ra những thông tin thật giả lẫn lộn để qua đó khuynh loát dư luận hầu tấn công vào đối thủ tạo ra tình trạng bát nháo trên cộng đồng mạng. Đây là điều mà chúng ta cần phải cảnh giác để không cho Dư luận viên của chế độ CSVN kích lên những hỏa mù, gây tản lực đấu tranh.

Thứ hai là hơn lúc nào cần nhận thức rằng không có phe nào “đổi mới, cải cách” hay “giáo điều, bảo thủ” trong thượng tầng lãnh đạo. Tất cả các phe đều chỉ muốn duy trì độc quyền cai trị của đảng để phục vụ cho những quyền lợi riêng tư của mỗi phe. Khi mà sự đấu đá nội bộ lên cao, chính là lúc mà các phe tung ra những phát biểu hay hứa hẹn cải cách, đổi mới để lung lạc hàng ngũ đấu tranh mà thôi.

Nếu nhìn chiều ngược lại, sự phân hóa nói trên đã mở ra nhiều cơ hội cho phong trào dân chủ tại Việt Nam. Dễ thấy nhất là khi chế độ bị yếu đi và không còn là khối thuần nhất thì sự đàn áp, khống chế sức đấu tranh của người dân giảm rất nhiều theo tỷ lệ thuận với thời gian.

Mặc dù chế độ Hà Nội đã dùng các đòn trấn áp bẩn thỉu như sai khiến xã hội đen tấn công các nhà dân chủ, tung công an theo dõi, sách nhiễu những gia đình; nhưng phải nói là hoàn toàn thất bại. Lý do đơn giản là người dân đã nhìn thấy chế độ Hà Nội ruỗng nát và trong thời kỳ suy thoái cũng như sự sụp đổ chỉ còn là thời gian.

Tuyên bố từ bỏ đảng CSVN của Giáo sư Nguyễn Đình Cống ngay sau khi kết thúc Đại Hội 12 đã là tín hiệu khởi đầu sự suy thoái của đảng CSVN.

Hơn thế nữa, hàng ngũ của những người đấu tranh đã mở rộng và đa dạng. Có thể nói là chưa bao giờ phong trào dân chủ tại Việt Nam lại có sự tham gia của nhiều người, nhiều thành phần như hiện nay. Những nỗ lực đấu tranh này đã chứng tỏ khả năng tồn tại trước sự trù dập của chế độ và đang từng bước lớn mạnh.

Chắc chắn dân tộc Việt Nam cũng sẽ có ngày mang tự do dân chủ thật sự đến với đất nước như dân tộc Miến Điến qua sự lãnh đạo của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ và bà Aung Sann Suu Kyi đã thành công trong việc kiểm soát quốc hội và chính quyền Miến trong những ngày tháng đầu năm 2016 vừa qua.

Với niềm tin vào tương lai tươi sáng của tiền đồ dân tộc, một lần nữa, trước thềm Xuân Bính Thân, thay mặt đảng Việt Tân, chúng tôi xin kính gửi đến đồng bào lời cầu chúc an lành, thịnh vượng và mọi sự may mắn.

Trân trọng kính chào đồng bào.

Lý Thái Hùng
Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét