Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Kinh tế Trung Quốc tăng khoảng 1% trong 2015

Gordon Chang
17/01/2016

Hôm thứ ba, Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc phát hành ước tính tổng sản lượng quốc gia của năm 2015. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết là tăng trưởng năm ngoái khoảng 7%, tức là đạt chỉ tiêu. Các phân tích gia được Reuters hỏi thăm thì cho là tăng trưởng ở mức 6.9%, là mức thấp nhấp trong vòng 25 năm qua.

Tuy nhiên các chỉ dấu trong năm lại cho thấy con số thấp hơn, có thể khoảng 1%.

Năm 2007, khi ông Lý còn là Bí Thư tỉnh Liêu Ninh, ông nói với một nhà ngoại giao Mỹ là các con số Bắc Kinh đưa ra là “nhân tạo”, vì lý do chính trị và do đó không tin cậy được. Ông cho biết là ông nhìn ba yếu tố khi muốn biết kinh tế ra sao: lượng điện tiêu dùng, lượng hàng hóa của xe lửa, và tiền vay của ngân hàng.

Ba yếu tố này, được gọi là “Chỉ số Lý Khắc Cường”, cho thấy gì? Mức độ điện tiêu dùng là một chỉ số tin cậy nhất của các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc. Trong 11 tháng đầu năm 2015, lượng điện tiêu thụ tăng 0.7%. Lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường xe lửa giảm 10.5% trong năm 2015. Số tiền vay bằng nhân dân tệ tăng 1.8 ngàn tỉ. Tiền vay bằng ngoại tệ giảm 50 tỉ đô la năm 2015. Trong khi năm 2014 thì tăng 58.2 tỉ đô la. Tiền vay tổng cộng giảm 467 tỉ nhân dân tệ trong năm 2015.

Ba yếu tố này cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể co rút lại trong năm ngoái.

Nhiều người cho rằng ba yếu tố này không còn quan trọng như trước đây vì chúng đo lường một nền kinh tế nặng về sản xuất trong khi Trung Quốc đang chuyển tiếp sang nền kinh tế chủ yếu về dịch vụ. Quốc Vụ Viện của Thủ Tướng Lý Khắc Cường nhức nhối với việc cho là tăng trưởng thấp nếu xét theo ba yếu tố này, đã đề nghị một chỉ số bao gồm ba yếu tố mới là công ăn việc làm, lợi tức cá nhân, và cải thiện môi trường.

Chỉ số mới này không chính xác và cũng không dễ tính toán. Bộ Lao Động và Bảo Đảm Xã Hội không còn phổ biến dữ kiện lao động cho thấy tăng trưởng thấp. Còn các số về lợi tức cá nhân thì có giúp làm sáng tỏ, nhưng yếu tố cải thiện môi trường thì chẳng ăn nhập gì đến mức sản xuất của kinh tế.


Một bình luận gia cho rằng chỉ số đo lường mới này giả định là lãnh vực sản xuất không có tác động gì đến kinh tế Trung Quốc. Thật ra ngành sản xuất vẫn còn đó và chiếm 40% nền kinh tế, nhưng đang trên đà thu nhỏ lại vì gặp nhiều vấn đề.

Hết ngành này đến ngành khác giảm mức sản xuất. Như ngành sắt thép chẳng hạn. Thép sản xuất giảm 2.2% trong năm ngoái.

Nhiều quan sát viên cho rằng ngành sản xuất không còn quan trọng nữa vì ngành dịch vụ, đang chiếm khoảng phân nửa của kinh tế, đang tăng mạnh. Điều này có thể không chính xác. Những biện pháp mạnh của Bắc Kinh để cứu lấy thị trường chứng khoán hồi tháng Bảy đã dập nát ngành dịch vụ tài chính. Mà trong năm ngoái ai cũng cho rằng dịch vụ tài chính đang thúc đẩy tăng trưởng. Nếu đúng vậy thì thì ngành dịch vụ tài chính đang kéo GDP xuống.

Có nhiều việc hứa hẹn xảy ra tại Trung Quốc trong lãnh vực dịch vụ và trên đường dài có thể làm thay đổi nền kinh tế, nhưng trong năm 2015 chúng không đủ mạnh để bù đắp sự sụp đổ thị trường tài chánh.

Còn về việc tiêu dùng. Theo các phân tích gia thì dân Trung Quốc tiêu thụ nhiều hơn và thúc đẩy kinh tế, bù đắp lại cho việc đầu tư đi xuống. Có thể điều đó sẽ xảy ra trên đường dài nhưng nó đã không xảy ra trong năm 2015.

Mức tiêu dùng tại Trung Quốc tăng chậm

Mức tiêu dùng không lên hay xuống. Theo các cửa hàng trên mạng báo cáo thì số bán có gia tăng, nhưng các cửa hàng ngoài đời thì số bán đi xuống. Nếu có thấy các cửa tiệm cà phê Starbucks mới thì cũng thấy các tiệm bán hàng xa xỉ đóng cửa. Tính trung bình thì lãnh vực tiêu dùng này tăng trưởng chậm.

Chỉ dấu quan trọng nhất cho thấy Trung Quốc năm 2015 không khá là mức giảm lạm phát toàn quốc. Ở quý 3, theo báo cáo mức tăng trưởng GDP chưa tính lạm phát là 6.2% trong khi GDP chính thức là 6.9%. Không có quốc gia nào với nền kinh tế lành mạnh mà lại cùng lúc bị giảm giá.

Do đó Trung Quốc không thể nào tăng trưởng gần 7% vào năm ngoái được.

Hoàng Thuyên lược dịch

Nguồn: Forbes

Theo Chân Trời Mới Media

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét