Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Nhìn lại và suy ngẫm muộn màng của phó ban tuyên giáo đảng

Phạm  Nhật Bình

Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng

Chưa bao giờ cuộc đấu đá một mất một còn đang diễn ra trên sân khấu nội bộ của triều đình đảng CSVN một cách gay gắt như đại hội đảng lần này. Thế nhưng, trong thời điểm quyết liệt ấy, Phó ban Tuyên giáo trung ương Võ Ngọc Hoàng lại nhẩn nha ngồi “Nhìn lại và suy ngẫm” về những thành tích của cái gọi là 30 năm đổi mới mà lãnh đạo Hà Nội nào cũng tự hào.

Cũng chỉ là khẩu hiệu
 
Khi nhắc tới từ “đổi mới”, không ai không nghĩ tới Đại hội lần thứ 6 của đảng CSVN vào Tháng 12, 1986. Đó là một Đại hội mà nhiều đảng viên đã mở mắt kêu gào “Đổi mới hay là chết”…

Với hào quang “đánh thắng đế quốc Mỹ đầu sỏ”, Hà Nội tiếp tục thí nghiệm mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa khắp miền Nam vừa cưỡng chiếm từ Tháng 4, 1975.

Cựu Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Đại hội VI tháng 12, 1986.
 Chỉ vỏn vẹn 10 năm sau khi đánh dẹp “tư sản mại bản” và tận tình vơ vét những gì còn sót lại của bọn tư bản thối nát, kinh tế ưu việt xã hội chủ nghĩa đã đẩy đất nước xuống vực sâu của đói nghèo và hỗn loạn. Đời sống người dân lâm vào cảnh lao đao vất vả, sáng khoai, chiều sắn, tối bo bo.

Thế là cuộc đổi mới buộc phải diễn ra, đơn giản là lập lại một cách nửa vời những nguyên tắc căn bản của kinh tế tư bản. Tức quay lại copy một phần con đường mà miền Nam Việt Nam đã đi và đã phát triển từ hơn 30 năm trước.

Tuy nhiên, vì chỉ copy nửa vời và luôn bị kìm hãm bởi cái thắng “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”, nên cuộc đổi mới ấy luôn đem lại sự sợ hãi triền miên cho đảng.

Trong bài viết của mình, ông Vũ Ngọc Hoàng cũng chỉ lập lại những lời lẽ tán dương cũ rích lâu nay về những thành tích hão huyền. Nào là “Công cuộc đổi mới do Đảng CSVN lãnh đạo đã giành được những thành tựu đáng kể…” Nào là “đưa đất nước vượt qua thời kỳ hết sức khó khăn và nghèo đói….” Đó là những gì mà người dân đã nghe đi nghe lại nhiều lần và ngao ngán đến tận cổ khi so sánh với thực tế.

Sau 30 năm, thành tựu nổi bật nhất chỉ tập trung vào quyền lực và quyền lợi duy nhất của đảng Cộng sản. Đảng nắm chặt độc quyền chính trị, từ đó mở rộng độc quyền kinh tế, lập ra các nhóm lợi ích để phân vùng thao túng nền kinh tế đất nước. Quyền lợi đất nước và nhân dân trở thành thứ yếu.

Cán bộ đảng từ trung ương đến địa phương coi việc bòn rút ngân sách quốc gia là chủ trương lớn, cùng nhau làm giàu phi pháp bằng mọi thủ đoạn hèn hạ nhất. Trung ương thì bán nước cho ngoại bang, địa phương thì vung tay cướp đất nhân dân để thủ lợi riêng.

Để bảo vệ thể chế độc tài của mình, suốt 30 năm gọi là đổi mới, đảng không ngừng đàn áp, bắt bớ, bóp nghẹt mọi quyền tự do công dân. Những cơ chế dân chủ giả hiệu tồn tại như những vòng cây kiểng, chỉ có nhiệm vụ tô điểm cho bộ mặt độc tài, lừa bịp người dân.

Sự trăn trối muộn màng
 
Thế nhưng lần này, bên cạnh những thành tựu đổi mới lừng lẫy ấy, Phó ban Tuyên giáo lại lớn tiếng kêu gọi đảng của ông: "Sớm có các bước đi phù hợp, cụ thể, tích cực nhằm đổi mới về chính trị, như việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước, bằng cơ chế dân chủ, thông tin đại chúng và tự do ngôn luận, đổi mới quản lý nhà nước và phương thức lãnh đạo của Đảng…"

Người ta thấy ngay lời kêu gọi của Phó ban Tuyên giáo sắp về vườn chỉ là khẩu khí của một người muốn trốn tránh trách nhiệm và tội ác gây ra trong thời gian phục vụ. Vì lẽ nếu ông Hoàng thấy việc kiểm soát quyền lực bằng cơ chế dân chủ, hay bằng tự do ngôn luận là cần thiết, tại sao ông không nói ngay trong lúc còn quyền hạn trong tay?

Ông thừa biết cái gọi là cơ chế dân chủ, ở Việt Nam đã có quá đủ trên giấy tờ nhưng không bao giờ trở thành hiện thực. Vì lẽ đảng CSVN chỉ muốn dùng hai chữ dân chủ để trói buộc người dân trong vòng ảo tưởng.

Đảng cũng đang nắm trong tay một số lượng báo chí khổng lồ: 857 cơ quan báo chí và 67 đài phát thanh, truyền hình. Nhưng không vì thế mà Việt Nam “có nhân quyền và tự do báo chí hơn nhiều nước khác” như Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son từng tuyên bố.

Quan điểm rõ ràng của nhà nước Việt Nam, báo chí là công cụ của đảng và nhất định phủ nhận bộ phận báo chí tư nhân. Nay ông Vũ Ngọc Hoàng đòi kiểm soát quyền lực đảng bằng thực hiện dân chủ và tự do báo chí phải chăng chỉ là lời nói “cho phải đạo trước khi chia tay.”

Nhưng thật ra cũng có không ít lãnh đạo cao cấp của đảng vẫn thường nói suông như thế. Điều này cho thấy sự giả dối cố hữu của các đảng viên CSVN. Họ không bao giờ dám nói thật về những thất bại nặng nề khi đảng khư khư ôm lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam để đưa Việt Nam xuống hố sâu tụt hậu, nghèo đói.

Chỉ khi nào họ sắp về hưu hay bị thất sủng mới dám rón rén nói lên những sự thật phũ phàng. Tại sao phải chờ sắp cầm sổ hưu mới nói, phải chăng đó là dũng khí của những “hèn đại nhân” thời đại cộng sản?

Loay hoay không lối thoát
 
Kiểm soát quyền lực như ông Hoàng kêu gọi chỉ có thể thực hiện trong một thể chế mà ba quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp độc lập lẫn nhau. Bên cạnh đó, báo chí tư nhân được coi như một quyền lực thứ tư có tính cách bao trùm. Vì đó là nơi người dân có thể sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình để góp ý hay phê bình chính phủ mà không sợ bị trả thù, bắt bớ, giam tù.

30 năm đổi mới định hướng xã hội chủ nghĩa không hề làm được chuyện đó. Hiến pháp 2013 sửa đổi vẫn duy trì và đóng đinh thật chặt vào Điều 4 để bảo vệ sự độc quyền của đảng cộng sản.

Nhiều lần các lãnh tụ đầu sỏ của đảng cũng kêu gọi cải cách nhưng đồng thời họ cũng từ chối, bài bác một hệ thống chính trị đa đảng. Đảng CSVN nhất định cố thủ trong pháo đài độc đảng, không ngần ngại tuyên bố nhất định không chia sẻ quyền lực với bất cứ ai.

Độc quyền chính trị sinh ra những đứa con tệ hại nhất. Nạn tham nhũng không ngừng lớn mạnh trở thành một lực lượng đắc lực song hành cùng đảng vơ vét tài nguyên đất nước, vun vén tài sản cá nhân càng ngày càng trắng trợn.

Sau 30 năm đổi mới định hướng xã hội chủ nghĩa, đảng CSVN vẫn nhất định cố thủ trong pháo đài độc đảng. 

Ông Hoàng cũng như biết bao lãnh đạo cộng sản khác chưa bao giờ nghĩ được trong một thể chế dân chủ thực sự, đảng cầm quyền chỉ là một công cụ để những người có khả năng ra phục vụ đất nước theo chu kỳ bầu cử từ lá phiếu người dân một cách công bằng và minh bạch. Những công bộc của dân trong một chế độ dân chủ như vậy hoàn toàn khác với những đày tớ dân hiện nay chỉ biết bám lấy quyền lực để làm giàu trên sự đau khổ của người dân.

Muốn giải quyết tình trạng tụt hậu mọi mặt của đất nước phải dám nhìn vào sự thật. Sự thật ấy không có gì khác hơn là đảng CSVN phải đưa ra một lộ trình cải cách rõ ràng và tiến tới việc sinh hoạt nghị trường đồng đẳng với các đảng phái khác. Không thể chỉ bằng cách ngồi nói những lời nói suông như ông Hoàng nhằm giúp cho đảng CSVN tồn tại trong khi đất nước ngày lụn bại.

Xem ra, sự “Nhìn lại và suy ngẫm” của phó ban tuyên giáo chỉ là những lời hiến kế muộn màng trong bối cảnh đảng đang mò mẫm trong đường hầm không lối thoát.

Hay nói khác đi ông Vũ Ngọc Hoàng đã đem nước đổ đầu vịt.

Phạm Nhật Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét