Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Đại Hội 12: Đường đi không đến

Phạm Nhật Bình


Trong suốt quá trình tồn tại, không ít những kỳ đại hội đảng CSVN là những lần thay bậc đổi ngôi không êm thắm. Nói khác đi, triều đình phong kiến kiểu mới của Hà Nội luôn giữ vững bản chất tranh giành và thanh trừng lẫn nhau như “các đồng chí Liên Xô” trong thời kỳ cầm quyền của Stalin.


Bế tắc chọn tứ trụ

Trong bối cảnh một đất nước đang rơi vào tình cảnh mất dần chủ quyền vào tay ngoại bang, vấn đề sắp xếp nhân sự cho đại hội 12 làm nổi lên tính cách tham quyền cố vị của các lãnh đạo đảng.

Việc chuẩn bị Đại hội 12 khởi đầu từ Hội nghị Trung ương 10 và qua Hội nghị 11, Trung ương đảng CSVN đã “nhất trí” với các tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương Đảng khóa mới; đồng thời quy định tuổi tái cử đối với Ủy viên Trung Ương Đảng không quá 60 tuổi, và đối với các Ủy viên Bộ Chính trị không quá 65 tuổi.

Bước qua Hội Nghị Trung Ương 12 là một bước đệm tiếp tục giải quyết khúc mắc trong vấn đề nhân sự, nhất là những ai đủ tiêu chuẩn và điều kiện trong độ tuổi ứng cử 4 chức danh cao nhất của chế độ.

Chính độ tuổi của 4 chức vụ cao nhất trong đảng và nhà nước mà các công dân mạng thường gọi là “tứ trụ triều đình” là cục xương khó nuốt của Hội Nghị Trung Ương 13. Vì theo quy định từ trước, các Ủy viên Bộ Chính Trị muốn được tái cử phải từ 65 tuổi trở xuống.

Hội nghị 13 họp từ ngày 14 đến 21 Tháng Mừời Hai là Hội nghị quyết định về danh sách đề cử những người tham gia vào Trung ương đảng khóa XII, sẽ do 1.500 đại biểu của đại hội XII bầu chọn. Vấn đề then chốt và gay cấn nhất là nếu những người quá tuổi hưu (trên 65) mà không được Trung ương chọn tái cử để đưa vào danh sách để các đại biểu bầu thì coi như sau Đại hội sẽ về vườn.

Hội nghị 13 quyết định danh sách đề cử người vào Trung ưởng đảng khóa 12.
Được biết cũng tại Hội Nghị Trung Ương 13, các Ủy viên Trung ương đã viết phiếu giới thiệu nhân sự Ủy viên Bộ Chính Trị đủ điều kiện, trong độ tuổi để ứng cử vào các chức danh “lãnh đạo chủ chốt” của đảng và nhà nước là Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng và Chủ Tịch Quốc Hội.

Trong bốn gương mặt hiện tại, không có ai có vẻ muốn rời bỏ chiếc ghế quyền lực đang nắm giữ, mà nhất định nó sẽ mang lại vô số lợi ích cho bản thân và đám đàn em.

Qua độ sôi sục của cuộc đấu đá, nếu không giữ được ghế thì không biết chừng sẽ là đại họa cho bản thân, gia đình và đàn em. Khổ thay, tứ trụ Sang-Trọng-Hùng-Dũng sang năm 2016 đều trở thành những ứng viên lão làng vượt qua số tuổi quy định 65. Hai trụ trẻ nhất trong bốn trụ là Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang đều sinh năm 1949, tức 67 tuổi.

Hội nghị 13 đã thất bại vì bế tắc chung quanh chiếc ghế tổng bí thư đảng sẽ thuộc về ai. Nếu tạm thời loại trừ Nguyễn Sinh Hùng và Trương Tấn Sang bị coi như yếu thế hơn, cuộc chiến đấu chỉ còn lại hai đối thủ nặng ký nhất là tổng bí thư và thủ tướng đương nhiệm. Nguyễn Phú Trọng lâu nay vẫn được dư luận coi như đứng đầu phe đảng và Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu phe chính phủ.

Hai phe cũng được mô tả như đối nghịch nhau trong một số quan điểm. Một phe bảo thủ dựa vào Bắc Kinh để tồn tại vững bền; một phe hướng về cải cách hội nhập càng ngày càng sâu vào thế giới Tây phương. Mặt ngoài, dù được một nhà quan sát đánh giá là “hai phe”, nhưng phe nào cũng cố giữ màu sắc chính thống của một đảng đã rệu rã lúc về chiều.

Hội nghị 14 bế tắc trong việc lập danh sách đề cử ai là những ứng viên sáng giá cho bốn chức danh Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội.
Vậy ai là người có thể được tái cử lần này? Một câu hỏi khó trả lời, một vấn đề hóc búa mà Hội nghị 13 đành buông tay trao lại cho Hội nghị Trung Ương 14 quyết định. Nhưng sau ba ngày nhóm họp từ ngày 11 đến 13 Tháng Giêng, 2016, Hội nghị 14 cũng bế tắc không lập được danh sách đề cử ai là những ứng viên sáng giá cho 4 chức danh Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội mà đành phải để cho Trung ương đảng khóa XII giải quyết với một lô danh sách tổng hợp từ đề nghị của Bộ chính trị và Trung ương đảng khóa XI.

Đại hội hoàng hôn

Những bế tắc trong việc chọn lựa các chức danh chủ chốt đã cho thấy tính cách quyết liệt của cuộc chiến tranh giành ngôi vị Tổng Bí Thư giữa hai phe đảng và chính phủ. Hậu quả tất nhiên là hai phe đã phải dùng đến đòn “thư tố cáo” để mà tạo hỏa mù trong dư luận. Do đó mà liên tục nhiều ngày qua trên các trang mạng xã hội người ta thấy xuất hiện nhiều bài viết dưới hình thức đơn, thư, ý kiến đảng viên cáo buộc Nguyễn Tấn Dũng hay chê bai Nguyễn Phú Trọng.

Điển hình là tài liệu 9 trang được cho là “Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị” giải trình những cáo buộc chung quanh bản thân và gia đình mình. Tài liệu nội bộ này được ai đó tung ra rộng rãi trên các diễn đàn công cộng góp phần đẩy mạnh cuộc đấu đá trở thành quyết liệt hơn.

Dù là dưới hình thức giải trình những điểm bị cáo buộc nhưng lại bạch hóa những vấn đề lâu nay vẫn được đồn đãi quanh Nguyễn Tấn Dũng. Chẳng hạn chuyện con gái Nguyễn Thanh Phượng có chồng là con trai một sĩ quan chế độ cũ; sự giàu lên nhanh chóng của gia đình (và thân nhân) người đứng đầu nhà nước với nhiều tài sản bất minh. Hay những tuyên bố gây sốc về Biển Đông và bang giao với Trung Cộng cũng là điều mà Nguyễn Tấn Dũng bị cho là quá trớn, có thể làm mất lòng người bạn đồng thời là “người thầy của Cách Mạng Việt Nam.”

Đây là một cuộc chiến tranh quyền lực đã phân rõ chiến tuyến giữa đôi bên. Vì vậy người ta nhìn thấy ngay những bài viết, những lá thư tố cáo đều nhằm mục tiêu phục vụ cho trận chiến đang đi đến giai đoạn một mất một còn.

Cũng qua đó, dù là tố cáo ông Dũng hay chê bai ông Trọng nó cũng cho thấy ba điều:

1/ Hai phe Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng lâu nay đã hình thành thế kình chống nhau từ Hội nghị Trung ương 6 khiến Nguyễn Phú Trọng rơi lệ vì không kỷ luật được “đồng chí X”. Nay nhân Đại hội đảng, sự tranh giành ngôi thứ có cơ hội bùng nổ dữ dội hơn bao giờ hết.

Nội bộ đảng CSVN lần này không còn giấu giếm được bộ mặt đạo đức giả khi hai phe công khai ở vào thế sát phạt nhau và không còn có thể thỏa hiệp như trong quá khứ. Nhu cầu bảo vệ đảng đã trở thành thứ yếu trước quyền lợi phe nhóm. Do đó quyền lợi dân tộc lại càng bị bỏ rơi, mặc cho ngoại bang tha hồ xâu xé.

Trước đây đôi khi dù có đấu đá nhau quyết liệt nhưng đến lúc cuối cùng, những người cộng sản vẫn khôn khéo tìm cách tương nhượng nhau để có thể cùng tồn tại. Nhưng trong kỳ Đại hội này, sự thỏa hiệp không còn nữa. Phe nào cũng ra sức khua môi múa mỏ, không ngớt tung ra những ngón đòn hiểm ác để hạ đối thủ đo ván. Vì cả hai phe đều biết, nếu thua thì quyền lực của chính phe nhóm mình không những mất mà nguy hiểm đến tính mạng. Tình đồng chí hiện nay được tính trên số tiền mà họ đã bòn rút được của nhân dân để chia chát cho nhau.

2/ Kế đến, hai phe Trọng-Dũng đánh nhau gay gắt tất nhiên phải có bàn tay của thế lực bên ngoài. Trung Cộng chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng thu hồi lãnh thổ phía nam mà họ gọi là “phiên thuộc” của Đại Hán ngày xưa trước hết là Việt Nam. Tham vọng ấy cộng với sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy hiện nay càng khiến Trung Cộng tha thiết với tham vọng mở rộng biên cương trên đất liền và ngay trên Biển Đông.

Những gì đang diễn ra gần đây nhất cho thấy Trung Cộng đang lặng lẽ thực hiện mưu đồ khống chế và trên thực tế họ đã làm chủ hải lộ quan trọng nhất Á Châu này. Trong bối cảnh Hoa Kỳ ngập ngừng tiến hành chiến lược “xoay trục” về Châu Á, Trung Cộng càng ráo riết nắm lấy quân cờ Việt Nam thông qua các tay sai trung thành để làm thất bại nỗ lực của Hoa Kỳ tại đây.

Do đó, cuộc chiến không tương nhượng này còn cho thấy là nó nhằm phục vụ cho mẫu quốc đứng phía sau. Trong trường hợp này, Trung Cộng sẽ là người được lợi nhiều nhất và 90 triệu dân Việt Nam là những người khó tránh thân phận nô lệ về sau.

3/ Về phía những nguời đứng tên trên các thư tố cáo, kiến nghị thực tế đều chỉ là con cờ của mỗi phe. Đó là những người đã về hưu, viết ra nhằm tung hỏa mù trong dư luận và làm lợi cho phe mình. Do đã rời xa quyền lực không còn chút ảnh hưởng gì nên những thông tin họ đưa ra là những thông tin một chiều, chưa hẳn là những người thực tâm yêu nước thương nòi.

Rõ ràng, sau nhiều thập niên độc quyền lãnh đạo, quyền lực của đảng đã bị sói mòn do những thất bại trầm trọng khi điều hành đất nước. Nhưng đồng thời giới lãnh đạo chóp bu cũng biết lăn xả vào thế lực tiền tài, thúc đẩy sự tham quyền cố vị lên đến đỉnh cao. Các phe phái trong đảng không còn có thể thỏa thuận nhau do quyền lợi quá nhiều. Mặt khác, sự khuynh loát hậu trường chính trị của nhửng thế lực quốc tế góp phần thúc đẩy tinh thần nô lệ ngoại bang của các nô tài mới trong đảng.

Bốn Hội nghị Trung ương để giải quyết vấn đề nhân sự; hàng ngàn công an rầm rộ diễn tập bảo vệ Đại hội đảng; sự đấu đá một mất một còn; tận tình bêu rếu nhau trên internet một lần nữa cho thấy đảng CSVN đang trong tiến trình tự tan rã bên trong.

Hơn 3 năm trước ông Nguyễn Phú Trọng mếu máo đọc bài diễn văn bế mạc Hội Nghị Trung Ương 6. trong bài diễn văn đó ông Trọng đã cố “thiêng liêng hoá” cái đảng của ông. Giờ đây cái đảng này không những đã mất thiêng mà còn trở thành cái giỏ rác để quần chúng trút vào đó những mỉa mai, căm hận.

Bởi vậy, như một blogger ví von, Đại hội đảng lần thứ 12 là một “đại hội hoàng hôn”. Hay nói cách khác đây là “đại hội của đường đi không đến”. Vì dù nhà lý luận Nguyễn Phú Trọng trở thành người thắng cuộc, hân hoan ngồi lại ghế tổng bí thư trong khi Nguyễn Tấn Dũng ngậm ngùi về vui thú điền viên, thì Đảng CSVN cũng đang nhắm mắt tiến vào một đường hầm không lối thoát.

Phạm Nhật Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét