Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Aung San Suu Kyi sẽ điều hành Miến Điện thế nào?

Christian Caryl
18/12/15
 

Khi hỏi ai đó ở Miến Điện về chuyện chính trị, câu trả lời thường xoay quanh một nhân vật nữ. “Bà sẽ mang lại thay đổi.” “Bà ấy có thể làm bất cứ chuyện gì.” “Chúng tôi tin vào bà ta.” Không cần phải nói ra ai cũng biết nhân vật được đề cập đến là ai.

Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập và người đoạt giải Nobel Hòa Bình, được quần chúng thương yêu hơn hẵn bất cứ ai khác. Những ai không tin điều này thì vào tháng 11 vừa rồi chứng kiến tận mắt khi người dân Miến Điện dồn hơn 80% số phiếu cho Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ, đảng của bà Suu Kyi, trong cuộc bầu cử quốc hội.

Thật là hứng thú khi thấy người dân Miến Điện trả đũa giới tướng lãnh đã cai trị quốc gia này một cách khắc nghiệt từ năm 1962, nhưng sự tôn sùng của quần chúng cũng làm bật lên những câu hỏi đáng lo ngại về bà Suu Kyi. Bà sẽ dùng quyền lực mới có được như thế nào?

Có hai hướng trái ngược nhau trong lịch sử của các lãnh tụ đối lập được quần chúng hỗ trợ để lên nắm quyền hành. Một hướng tiêu biểu là lãnh tụ Nam Phi Nelson Mandela, cũng là người đoạt giải Nobel như bà Suu Kyi, từng bị giam giữ nhiều năm trời rồi trồi dậy trở thành người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu dân chủ. Mandela cự tuyệt sự cám dỗ hành hạ những kẻ đàn áp trước đó và giữ vững nguyên tắc tương nhượng, khoan dung và tôn trọng nhóm thiểu số. Hướng ngược lại được đại diện bởi Robert Mugabe, chiến sĩ đấu tranh cho tự do tại Zimbabwe, được ngưỡng mộ và tôn sùng, rồi sau khi nắm quyền thì không cự lại được sự cám dỗ của mỵ dân và độc đoán.

Quân đội Miến Điện vẫn còn nắm nhiều quyền lực chính trị.

Còn chuyện của bà Suu Kyi thì cũng khó mà thẳng thớm. Kết quả thắng lớn của cuộc bầu cử tháng 11 không làm cho việc chuyển hóa dân chủ đơn giản như mọi người nghĩ. Quân đội vẫn còn nắm khá nhiều quyền lực chính trị. Một phần tư của quốc hội được để dành cho quân đội bổ nhiệm. Hiến pháp hiện thời bảo đảm cho các tướng lãnh toàn quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát và an ninh và ngân sách quốc phòng thì không ai được biết. Và nhiều viên chức cao cấp kiểm soát nhiều mảng lớn của kinh tế. Tuy nhiên họ chẳng có chút chính danh nào cả, sau bao nhiêu thập niên của cai trị bằng bạo lực. Do đó tuy giới tướng lãnh vẫn còn súng ống và tiền bạc, bà Suu Kyi lại được lòng của toàn dân Miến Điện.

Sự mến mộ bà Suu Kyi có lý do vững chắc. Bà là con của tướng Aung San, lãnh tụ phong trào giải phóng quốc gia tranh đấu để áp lực Anh Quốc trao trả độc lập cho Miến Điện vào năm 1947. Bà được đưa đẩy lên vị trí lãnh tụ đối lập trong cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1988. Khi tổ chức Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ thắng cử hai năm sau, nhóm quân đội cho toàn bộ lãnh đạo đối lập vào tù, có người bị giam cả mấy thập niên; bà Suu Kyi thì bị quản thúc tại gia 15 năm.

Suốt nhiều năm trời bị đàn áp và hy sinh, bà Suu Kyi vẫn bền bỉ dũng cảm xiển dương cái hay của chống đối bất bạo động và đạo lý tốt đẹp của “tự do thoát khỏi sự sợ hãi”. Phát biểu của bà gần giống với suy nghĩ của Gandhi và Václav Havel, chưa kể sức mạnh tinh thần rút ra từ tín ngưỡng Phật Giáo của bà. Cộng thêm lòng dũng cảm phi thường (biểu lộ qua nhiều dịp khi bà điềm tĩnh bất chấp binh sĩ cầm súng), thì bạn có thể hiểu tại sao nhiều người ủng hộ xem bà gần như là bậc siêu phàm.

Kể từ khi thời cải tổ bắt đầu cách đây bốn năm, bà làm nhẹ vai trò hoạt động nhân quyền để nhấn mạnh vai trò mới là một chính trị gia thực tiễn. Và mặc dầu có những ràng buộc mà quân đội dàn dựng, bà nói rõ là bà sẽ sớm nới rộng quyền hành. Hiến pháp do quân đội soạn, cấm bà không được trở thành chủ tịch nước. Bà trả lời là sẽ không để cho các quy luật hiện thời giới hạn mình. Trong một buổi họp báo trước bầu cử, bà Suu Kyi tuyên bố vai trò tương lai của mình. Bà tuyên bố với ký giả là “Tôi sẽ đứng trên tổng thống. Tôi sẽ điều hành chính quyền, và chúng tôi sẽ có một tổng thống nghe lời với các chính sách của Liên Minh.”

Đối với giới phê bình bà, lời phát biểu đó là một điềm xấu. Mặc dầu NLD là một đảng cầm quyền tương lai của một quốc gia với 51 triệu dân, đảng NLD vẫn còn là đảng của một bà. Giới lãnh đạo cao cấp chỉ toàn là những người lớn tuổi ít ai biết, và thành phần đảng viên các cấp hầu hết là có lý tưởng cao đẹp nhưng thiếu kinh nghiệm chuyên môn.

Cũng thấy rõ là bà Suu Kyi ngần ngừ trong việc đào tạo người kế thừa. Đầu năm nay, các lãnh tụ NLD khẩn nài bà mời một số nhà đối kháng nổi bật vào chung với liên danh ứng cử. Bà khước từ. Tranh luận nội bộ đảng gần như là không có.


Trong lúc đó, bà làm mất lòng nhiều người ủng hộ ở Tây Phương với thái độ lững lờ về số phận của dân thiểu số Rohingya, là nhóm dân Hồi giáo nghèo bị chính quyền kỳ thị để chiều lòng đại số dân theo Phật giáo. Sự kỳ thị không phải chỉ từ chính quyền mà ngay cả đảng NLD cũng từ chối không để cho một ứng viên Hồi giáo nào trong danh sách ứng cử. Với kết quả là tuy dân Hồi giáo chiếm 10% dân số, không có một ai đắc cử vào quốc hội. Các đảng chính trị đại diện cho các thành phần sắc tộc thiểu số bị đảng NLD đè bẹp trong cuộc bầu cử, có nghĩa là họ sẽ thiếu đại diện trong quốc hội - một tình huống không khả quan cho nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến dài dăng dẳng nhất thế giới.

Rào cản chính cho tiến trình dân chủ hóa Miến Điện vẫn còn là phe quân đội. Nhưng oái oăm thay giới tướng lãnh bây giờ lại là bước kềm chế quyền hành cá nhân của bà Suu Kyi. Phe dân chủ không có ai đủ hào quang cách mạng hay tư thế đạo đức để chất vấn các quyết định của bà.

Điều này cũng không gì ngạc nhiên. Ý niệm cân bằng quyền lực vẫn còn là điều xa lạ trong một xứ sở không quen thuộc với truyền thống dân chủ. Một ký giả Miến Điện thổ lộ là “tôi lo là bà trở thành một người độc tài. Nhưng ngay cả thế, tôi thà có bà làm người độc tài hơn là đám quân đội.” Bây giờ, có vẻ như người duy nhất để kiềm chế bà Suu Kyi không ai khác hơn chính là bà ta.

Hoàng Thuyên lược dịch

Nguồn: The Wall Street Journal

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét