Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Việt Nam có “khủng bố” hay không?

Chân Như - RFA
16-12-2015

Công an đàn áp người biểu tình chống TQ ở Hà Nội hồi năm 2012. AFP
Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa cả thế giới văn minh. Do vậy, Việt Nam cũng không ngoại lệ: chế định khủng bố đã được quy định trong bộ luật hình sự, và các hoạt động mang tính đối kháng bạo lực với nhà nước CHXHCNVN thường bị chính quyền liệt vào dạng “khủng bố” và bị lực lượng an ninh VN ngăn chặn. Vậy việc người dân bị tấn công, gây sức ép về mặt tinh thần từ phía chính quyền. liệu đó có phải là khủng bố hay không? Mời quý vị cùng theo dõi chia sẻ của ba bạn khách mời trong tạp chí diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với Chân Như sau đây:
Thế nào là khủng bố?

Chân Như: Theo các bạn hiểu, thế nào là khủng bố? Tại Việt Nam hiện nay có khủng bố hay không?

Thảo Teresa: Mình xin chào Chân Như và các quý khán thính giả, chào hai em Sơn và Trung. Ở Việt Nam, ở một chế độ độc tài toàn trị thì chắc chắn là có sự khủng bố rồi, nhiều cách khác nhau thôi, khẳng định là như thế.

Lý Quang Sơn: Theo em hiểu khủng bố là những hành động phá hoại bằng hành động, bằng lời nói hoặc đe dọa giết hoặc những hành động bằng hình ảnh bằng video nhằm gây hoang mang, gây sự tổn thất về vật chất hay tinh thần cho những cá nhân, cho xã hội, các cộng đồng nhằm một số các mục đích về chính trị, tôn giáo, hoặc mục đích về ý thức hệ. Theo em, Việt Nam hiện nay khủng bố khá nhiều và gần như đại diện gương mặt khủng bố đó là chính quyền Việt Nam.

Bùi Trung: Đầu tiên em quan niệm một điều rằng khủng bố là gì đã. Và khủng bố sẽ mang lại gì cho người bị khủng bố? Em lên Wikipedia thì có một vài điểm chung như sau: khủng bố là một người hoặc một nhóm người đem lại những mối nguy hiểm, đe dọa đến thân thể của một cộng đồng xã hội loài người. Em nghĩ đó là khủng bố.

Chân Như: Trong trường hợp các nhà hoạt động ở VN bị tấn công bằng bạo lực, gây sức ép về mặt tinh thần, gây khó khăn trong đời sống… thì liệu đó có thể gọi là hành vi khủng bố hay không? Tại sao?

Thảo Teresa: Đó rõ ràng là hành vi khủng bố như lúc nãy mình đã nói là nó có nhiều loại hình thức khủng bố. Tuy nhiên các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam lại bị khủng bố bằng cách trước hết là tinh thần. Họ đeo bám sách nhiễu, rồi họ có thể đưa lên mạng để sỉ nhục: đó là khủng bố. Đấy là những việc làm mà chính quyền Việt Nam đã làm, bất kể những hành động nào gây hoang mang sợ hãi cho dư luận thì đều là sự khủng bố, cách này hay cách khác.

Lý Quang Sơn: Em rất đồng tình với ý kiến của chị Thảo. Bởi thường các mục tiêu của các nhóm khủng bố là nhắm vào những người không có khả năng tự vệ hoặc những người trong phạm vi không an toàn. Những nhà hoạt động của Việt Nam thường không được chính quyền bảo vệ, ngược lại còn bị tấn công bằng bạo lực bởi những kẻ lạ mặt, và gây sức ép về kinh tế và tinh thần. Rõ ràng đây là một hành vi khủng bố bởi vì họ đã có những hành vi cụ thể và nhằm vào những con người cụ thể. Thực sự họ đã đạt những kết quả: gây ra rất nhiều hoang mang cho những người hoạt động không biết nay sống mai chết như thế nào. Theo em xu thế về vấn đề khủng bố sẽ càng ngày có nhiều hơn. Những năm trước họ chỉ đơn thuần khủng bố về mặt tinh thần thôi, như đeo bám, chửi rủa hay dùng dư luận viên để sỉ nhục trên mạng, bôi xấu ở cộng đồng dân cư. Hiện nay vấn đề tấn công bạo lực lại càng tăng lên và việc gây khó khăn trong đời sống của những người hoạt động càng ngày càng tăng. Đó là nhận xét của em.

Chân Như: Sơn vừa nói tăng lên, Sơn có thể chia sẻ thêm chi tiết?

Lý Quang Sơn: Thì trước đây khi chưa có những tác động từ quốc tế nhiều thì họ chỉ đơn giản chỉ cần gây sức ép về mặt tinh thần, tức gia đình, người thân. Những người thân trong gia đình đó sẽ lại gây tác động đến chính bản thân mình là mình không thể có những sự thoải mái trong hoạt động hay tập trung hoạt động; Hoặc là gây sức ép đuổi học, đuổi việc. Em cũng quen biết rất nhiều anh em tham gia hoạt động bị đuổi học, bị chính trường đại học gọi lên, gọi xuống gây sách nhiễu; Một số anh em khác bị đuổi khỏi chỗ làm, không có kế sinh nhai, không có cách kiếm cơm. Đó cũng là một dạng khủng bố. Theo em dạng khủng bố này còn tinh vi hơn bằng bạo lực vì đơn giản khi họ dùng bạo lực tức họ không còn cách nào để sử dụng với mình nữa thì mới bắt đầu dùng bạo lực. Ngày nay chính quyền Việt Nam đã bắt đầu sử dụng bạo lực rất nhiều. Từ cuối năm 2014 đến giờ tình trạng bạo lực càng ngày càng gia tăng và càng nhắm vào những người đấu tranh kịch liệt hơn.

Làm sao để vượt qua sợ hãi?

Chân Như: Mục đích của khủng bố là tạo ra sự sợ hãi. Nếu như mục đích này không đạt được, thì những nhóm khủng bố sẽ thất bại. Vậy theo các bạn, làm thế nào để người dân trong nước vượt qua được sợ hãi?

Bùi Trung: Thật sự em còn quá trẻ để đúc kết làm sao, cách đi nào cho người dân trong nước, nhưng em xin chia sẻ một tí về bản thân em. Em nghĩ giới trẻ cuối 8x và đầu 9x như bọn em bây giờ, được sanh ra trong thời kỳ giao điểm giữa lúc Mỹ dỡ bỏ cấm vận cho Việt Nam. Năm 1993, xã hội Việt Nam bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường mở cửa, chuyển biến rất mạnh về kinh tế về mọi thứ. Đồng thời những văn minh phương Tây, những giá trị của thế giới cũng theo đó cũng nhập vào. Giới trẻ bọn em là những đứa được hấp thu những giá trị ngay từ lúc đấy. Em để ý bạn bè em ai cũng có sự nhận biết về xã hội. Chẳng hạn về việc công an giao thông lợi dụng chức quyền ăn hối lộ như vừa rồi có vụ trang facebook Việt Nam share bản tin trong nội bộ công an tỉnh Đồng Nai: họ ăn mãi lộ và để khui ra thành một đường dây; Hoặc là những sự việc hằng ngày chúng ta thấy đầy rẫy trên đường, những anh dân phòng không kể đến tình người để cướp đi, chà đạp lên miếng rau của một bà cụ đến 60 tuổi bằng tuổi bà anh ta. Lớp trẻ bọn em đều biết những vấn đề đấy và không ai không biết sự bất công. Tuy nhiên, phải đến lúc mẹ em bị chính quyền bắt đi tù thì lúc đấy em mới thật sự bước chân vào con đường vận động cho mẹ em. Và cũng chính qua con đường vận động để tìm kêu cứu cho mẹ mình thì dần dần em hiểu ra rằng con đường ngắn nhất để từ nay không còn những người mẹ như mẹ mình lần thứ hai nữa chỉ có cách là cả đất nước này phải thay đổi. Đó là ngăn chặn bệnh chứ đừng bao giờ chữa bệnh và đó là cách của em. Em dần dần mong muốn trở thành người có ích cho cộng đồng, giúp cho cộng đồng phát triển lên. Em đúc kết lại là đến khi nào mà bạn cảm thấy cái quyền lợi của mình bị đánh mất thì lúc đấy bạn cần phải lên tiếng.
 
Hình ảnh luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị đánh ngày 3/11 được đăng tải trên Facebook cá nhân.


Thảo Teresa: Mình có chút chia sẻ như thế này. Thật ra ở Việt Nam, mình nói quá đi một chút bởi vì bản chất của chế độ này nó là tuyên truyền nhồi sọ và dùng nhà tù bạo lực, đâm ra người dân đương nhiên là sợ. Điều này thành não trạng, một điều rất nguy hiểm từ xưa đến nay. Do vậy, bất kể người dân, thật ra họ biết như có lần mình chia sẻ với Chân Như, nhưng vì miếng cơm manh áo vì cuộc sống họ, vì sự yên thân cũng ích kỷ nữa. Đấy là do môi trường, do xã hội tác động, nhưng để vượt qua nỗi sợ hãi thì đúng là người ta vẫn nói là phải cắn vào thịt mình thì mới thấy đau. Bản thân mình ngày trước cũng từng xuống đường 2008 vì nhà thờ đất đai của giáo hội bị cưỡng đoạt. Từ đó mình mới ngỡ ra nhiều thứ và mình biết là đang xảy ra trong xã hội này (mình cũng biết từ trước) nhưng khi động chạm đến quyền lợi của mình thì bắt đầu mình mới ý thức được. Như mình vẫn nói, tất cả mọi sự mà để đạt được về vấn đề dân chủ hoặc là chống bất công, hay để có được công bằng xã hội đều là sự trả giá và hy sinh. Mình không dám nói là làm thế nào nhưng mà với kinh nghiệm và nhìn thấy nhiều người như em Sơn vừa rồi, bị đánh đau rất nhiều lần: ý mình muốn nói là tất cả đều có giá phải trả và sự hy sinh. Người mà đã chấp nhận dấn thân cho con đường đấu tranh này là phải hy sinh, mất mát. Cái đấy mình nghĩ là rất khó, đâm ra chẳng có cái gì là free. Mỗi người đều chấp nhận làm viên gạch lót đường, bằng cách này hay cách khác, thì mới thay đổi xã hội này, thật sự là như thế. Phải cắn vào thịt họ, phải động đến quyền lợi của họ thì họ mới lên tiếng, chứ còn họ vô cảm lắm. Mình cũng thông cảm thôi bởi đấy là một não trạng của một xã hội bao nhiêu năm nay hệ cộng sản nhồi sọ đàn áp rồi. Đấy là thực tế.

Lý Quang Sơn: Em cũng thấy rằng mục đích của khủng bố là tạo ra sự sợ hãi. Đúng là chế độ này làm cho con người ta sợ hãi hàng mấy chục năm nay và họ thật sự đã thành công, nhưng để làm sao để cho những con người vượt qua được những sợ hãi đấy thì bản thân em cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Bởi em không giống như chị Thảo hay như bạn Trung, em không bị chính quyền xâm phạm bất kỳ điều gì, em không có cha mẹ hay người thân bị chúng bắt. Thậm chí, em cũng không theo Thiên Chúa để mất đất hay bị làm sao; Bản thân em cũng chưa bị chính quyền xâm phạm một lần nào luôn trước khi em bắt đầu tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình em học hành và tìm hiểu và qua giao lưu chia sẻ thì em dần dần nhận ra những vấn đề về xã hội. Em muốn đất nước mình cần phải thay đổi. Đất nước mình cần phải bao dung hơn, hiền hòa hơn. Tổ quốc của chúng ta phải là nơi đến cho tất cả mọi người chứ không phải là một nơi mà để mọi người phải chạy trốn. Rõ ràng rất nhiều người đang chạy trốn khỏi đất nước này, kể cả chính những người cộng sản luôn và chưa bao giờ những người cộng sản chạy trốn trong quy mô như vậy. Em xin phép xử dụng một câu nói của Ls. Lê Quốc Quân: “chính những người cộng sản họ cũng đang trốn chạy một cách cực kỳ quy mô và lớn mạnh, bởi vì những người cộng sản đang cố gắng nắm quyền, vơ vét tài sản để cho con cái họ, người thân của họ ra khỏi nước ngoài biến khỏi đất nước Việt Nam này mà không có một ai, không có một người nào đang nắm chức quyền, không có một người cộng sản nào có ý thức rằng là cần phải đổi mới cần phải xây dựng đất nước này nó đẹp hơn.” Suy nghĩ của họ là như vậy và chính bản thân những người cộng sản hoặc những người trong chính quyền này họ cũng đáng thương. Có một lần anh Đài hay ai đó em không nhớ lắm kể cho em nghe rằng bạn của anh ấy làm đến một chức to như cục trưởng; Bạn ấy nói với anh ấy rằng “bọn tao cũng mong thay đổi lắm nhưng bọn tao chỉ mong chúng mày làm được một cuộc cách mạng, một sự thay đổi thôi chứ bản thân tụi tao cũng bế tắc, bọn tao không còn lối thoát nữa”. Bởi chính những con người trong bộ máy này họ đã ăn rơ với nhau, họ đã vào guồng với nhau rồi nếu bất kỳ một ai phản bội ai thì lập tức là cỗ máy nó sẽ nghiền nát chính những người cộng sản mà đi ngược lại xu thế lợi ích của chính họ. Chính bản thân họ cũng gần như là những nạn nhân và bây giờ nếu để vượt qua được nỗi sợ hãi này thì dường như rất là khó.

Tuy nhiên, không phải không có cách bởi vì chúng ta biết rằng là nỗi sợ hãi nào cũng dễ dàng vượt qua khi chúng ta có những người bạn những người cùng chung lý tưởng bên cạnh. Vậy, để vượt qua được những sợ hãi hay những khó khăn thì chúng ta cần phải có cộng đồng của chúng ta, có môi trường của chúng ta. Con người cảm thấy bớt sợ hãi khi chúng ta nằm ngủ ở một ngôi nhà thân thuộc của chúng ta. Con cá cảm thấy bơi lội tung tăng khi sống trong môi trường nước của nó chứ không phải trên cạn. Chúng ta cũng vậy thôi, chúng ta bớt đi sợ hãi khi mà xung quanh chúng ta có nhiều người dũng cảm, có nhiều người cùng chung quan điểm, lý tưởng, lập trường và mong muốn thay đổi xã hội như chúng ta. Do vậy, bất kỳ một anh em đấu tranh nào hoặc là những con người Việt Nam nào mà muốn thay đổi, muốn vượt qua sợ hãi thì hãy tìm đến những con người đã đấu tranh trước, những người đi trước hãy nhờ họ bảo vệ. Ví dụ như bản thân em, em có rất nhiều bạn trẻ vào “inbox” em bảo anh ơi em muốn tham gia vào phong trào dân chủ của Việt Nam mình, anh có thể cho em biết cách tham gia không? Mình là những người đi trước, mình biết được cái gì sẽ phải trải qua, cái gì nó sẽ đến, những nỗi lo nào họ sẽ phải gặp phải, thì những người đi trước như em, như chị Thảo hay bạn Trung hoặc là rất nhiều anh em, chị em khác phải có trách nhiệm bảo vệ họ, có trách nhiệm chia sẻ kiến thức cho họ để họ có thể vượt qua những sợ hãi đó. Bản thân những người muốn tham gia, muốn vượt qua những sợ hãi đó thì hãy tìm đến những người đi trước; Hãy tìm xung quanh họ những con người mạnh mẽ, những con người muốn thay đổi và dám thay đổi. Chỉ còn cách như vậy thì chúng ta mới bảo vệ được nhau, mới đưa đất nước Việt Nam này đi lên được thôi.

Chân Như: Những nhận định vừa rồi của Quang Sơn phải nói là đã quá đủ, và quá tuyệt vời cho câu hỏi. Và có vẻ như Sơn cũng đã nói lên luôn làm cách nào để chấm dứt hành động khủng bố từ chính quyền rồi. Vậy, Chân Như chỉ xin một lời nhận xét cuối từ bạn Thảo Teresa để chúng ta kết thúc buổi chia sẻ ngày hôm nay. Xin mời.

Thảo Teresa: Mình thì chỉ muốn nói một điều: Việt Nam có khủng bố hay không? Đấy là điều chắc chắn rồi. Mình nói chuyện như thế này là để chia sẻ với nhau thôi chứ còn trên thực tế, mình nghĩ cả thế giới đều biết đất nước này có khủng bố. Một chế độ độc tài như cộng sản Triều Tiên hay Trung Quốc là những nhà nước khủng bố bởi vì sao? Bất kể những ai bất đồng chính kiến phản biện lại những việc làm sai trái của họ đều bị đàn áp, bằng cách này cách khác: bạo lực, nhà tù rồi đàn áp về tư tưởng, sách nhiễu, sỉ nhục các trò. Đấy là hình thức khủng bố xâm phạm trắng trợn quyền con người. Mình khẳng định ở Việt Nam đã và đang sử dụng những biện pháp khủng bố với tất cả những người hoạt động xã hội. Còn để vượt qua nỗi sợ hãi thì đấy như Sơn nói mình cũng nhất trí. Một điều mình nghĩ là khó có thể tránh đó là sự hy sinh mất mát của những người dấn thân, và mình cũng xác định là như thế, sự hy sinh khó tránh lắm.

Chân Như: Vâng xin cám ơn ba bạn, Thảo Teresa, Lý Quang Sơn và Bùi Trung đã giành thời gian đến với cuộc chia sẻ này.

Nguồn: RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét