Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Hội Luận Bàn Tròn với các tổ chức nhân quyền Miến Điện và quốc tế: Bầu cử tự do chưa là dấu chấm hết

BBT - Web Việt Tân


Vào chiều ngày thứ nhì của chuyến đi học hỏi Miến Điện, phái đoàn các anh em hoạt động dân chủ từ quốc nội và hải ngoại đã tổ chức một buổi Hội Luận Bàn Tròn tại trung tâm Phandeeyar, nơi các tổ chức Miến Điện và Quốc Tế thường có mặt để tổ chức sự kiện hay huấn luyện cho các nhà hoạt động dân chủ.
Ngoài các diễn giả đến từ 3 tổ chức nhân quyền Miến Điện và Quốc Tế là Freedom House, Fortify Rights, Equality Myanmar, buổi hội luận bàn tròn cũng có sự tham dự của các tổ chức Quốc Tế đang có mặt tại và làm việc tại Miến Điện, và đặc biệt có sự tham dự của ông Zarni, một cựu tù nhân chính trị từng bị chế độ quân phiệt cầm tù 9 năm.

Cô Trinh Nguyễn, đại diện phái đoàn, đã trình bày tổng quát về tình hình nhân quyền và phong trào dân chủ tại Việt Nam. Sau các câu hỏi của phái đoàn cũng như phần trình bày của đại diện các tổ chức quốc tế và Miến Điện, ba kinh nghiệm chính từ nhiều bài học được phái đoàn chia sẻ lại như sau:

1) Trong một câu hỏi, một bạn trong phái đoàn bày tỏ mối quan tâm chung rằng khi nhìn vào Miến Điện và nhìn về Việt Nam, thì thấy được rằng người dân Miến Điện đạt được những thành quả dân chủ, có lẽ vì họ đã sẵn sàng để đấu tranh cho những nguyện vọng của mình, nhưng người dân Việt Nam có thể chưa sẵn sàng chăng?

Cựu tù nhân chính trị Zarni cho biết tại Miến Điện, người dân cũng bị chính quyền tuyên truyền rằng họ chưa sẵn sàng cho một thể chế dân chủ. Điều đó có thể là đúng, nhưng cho dù là như vậy, "thì chúng tôi biết chúng tôi đã sẵn sàng cho công lý, sẵn sàng để chấm dứt áp bức, bất công, và tôi tin người dân Việt Nam, hay bất cứ con người ở nơi đâu cũng như vậy."

Đại diện Fortify Rights sau đó đã chia sẻ thêm rằng: Vì vậy điều quan trọng của phong trào là làm sao phải sử dụng những ngôn ngữ mà người dân bình thường có thể cảm nhận được. Khi bạn hỏi người dân rằng họ có muốn dân chủ không, có lẽ họ sẽ trả lời rằng không. Nhưng nếu đưa ra những giá trị quyền con người thiết thực với đời sống thực tế của họ thì câu trả lời chắc chắn là: chúng tôi muốn những điều này.

Tóm lại, thông điệp của phong trào dân chủ là làm sao phải đánh động vào những quyền căn bản thực tiễn với đời sống của nhiều tầng lớp quần chúng khác nhau.

2) Các tổ chức đấu tranh có mặt trong buổi hội luận chiều nay cũng như trong những ngày qua mà phái đoàn có dịp gặp gỡ đều cho cho biết, thay vì sự hân hoan vì nền dân chủ đã được dựng lên ở Miến Điện, thì hiện nay sự lo lắng đang bao trùm vì giai đoạn chuyển hóa vẫn còn quá mong manh. Họ đã chiến thắng độc tài qua cuộc bầu cử vừa rồi nhưng vấn đề lớn hơn là làm sao xây dựng những định chế để bảo đảm một nền dân chủ thực sự, trong khi vẫn phải hợp tác một cách uyển chuyển với phía quân đội.

Nhìn lại Việt Nam, việc chấm dứt độc tài Cộng sản là mục tiêu cần thiết đầu tiên, tuy nhiên mục tiêu lâu dài và khó khăn hơn là làm sao có thể canh tân đất nước thời hậu cộng sản. Điều này đòi hỏi một tầm nhìn xa của bất cứ phong trào nào.

3) Anh Billy Ford, đại diện Freedom House, một người rất am hiểu tình hình Việt Nam cho biết anh hiểu sự tin tưởng nhau là một thử thách lớn đối với phong trào Việt Nam, khi phong trào còn nhiều nghi kỵ, chia rẻ, mà phần nhiều vì những chiêu trò của chính quyền. Trên thực tế, các tổ chức trong phong trào Miến Điện cũng có những bất đồng, và không phải ai cũng đồng ý với Đảng NLD. Tuy nhiên, khi đến thời điểm cần thiết, các tổ chức vẫn ngồi xuống với nhau và đồng lòng đứng sau NLD để có một lực lượng đối lập đoàn kết trước chế độ độc tài.

Đại diện các tổ chức Miến Điện có mặt cũng chia sẻ thêm, thật ra khi đứng cùng nhau để ủng hộ Đảng NLD, không phải tất cả đều chủ trương ủng hộ Đảng này sau khi cầm quyền, nhưng đối với họ, ưu tiên trước hết là làm sao có một thể chế dân chủ để sau đó họ có thể tập trung vào việc xây dựng cơ chế để đảm bảo nền dân chủ có được.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét