Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Đại hội 12 và những ngộ nhân cần chấm dứt

Đỗ Đăng Liêu 


Sau khi Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) kết thúc vào ngày 28 Tháng 1, có một số điều thiết tưởng cần phải nói rõ, để đánh tan đi một số ngộ nhận mà ĐCSVN muốn nhồi nhét vào đầu chúng ta.

Ngộ nhận đầu tiên mà ĐCSVN tạo ra là tình trạng độc đảng ở VN và chuyện ĐCSVN được nắm độc quyền điều hành việc nước là điều tự nhiên, trong khi đó chính là điều phản tự nhiên trong một quốc gia tự do dân chủ bình thường.
Trước khi ĐCSVN có mặt ở Việt Nam, đất nước VN đã có một môi trường chính trị đa nguyên đa đảng với sự hiện hữu của nhiều đảng phái chính trị cùng sinh hoạt tự do trong không khí dân chủ và hòa bình. Chỉ từ khi ĐCSVN ra tay tiêu diệt tất cả các đảng phái khác rồi cướp chính quyền, dùng bạo lực cấm mọi đảng phái khác sinh hoạt thì đất nước VN mới trở thành độc đảng như hiện nay.
Đầu thế kỷ 21 mà vẫn còn dùng trâu đi cày (Ảnh: TPO)

Tình trạng bất bình thường đó là trách nhiệm và tội lỗi của ĐCSVN vì ai cũng biết là độc đảng là tiêu diệt dân chủ, và vì không có dân chủ nên đất nước không phát triển được và ngày một tụt hậu như bây giờ.

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Đầu Tư và Kế Hoạch cũng đã nói như trên trong bài tham luận đọc trong Đại hội 12: “Đổi mới chính trị phải đồng bộ đổi mới kinh tế thì đất nước mới phát triển, thoát nguy cơ tụt hậu, hơn lúc nào hết đảng phải nghiêm chỉnh nhìn lại chính mình.”

Ngộ nhận thứ hai mà ĐCSVN muốn tạo ra là ĐCSVN và Dân Tộc Việt Nam là một, trong khi sự thực ĐCSVN chính là kẻ thù to lớn và tàn hại nhất của quốc gia trong thời cận đại của lịch sử Việt Nam.

ĐCSVN luôn đánh đồng đảng của họ với dân tộc và đất nước. Họ luôn “nhận vơ” khi tự cho họ là “nhân dân”, và vì vậy mọi sản phẩm của họ đều được gán ghép chữ “nhân dân”, ngay cả chính những công cụ của họ lập ra để giết hại người dân như “Toà Án Nhân Dân”, “Công An Nhân Dân”,… Đây là sự gian trá vô cùng to lớn của ĐCSVN vì ĐCSVN tuyên bố mọi quyền hạn, quyền lợi của đất nước thuộc về nhân dân, rồi ĐCSVN lại tự nhận là nhân dân và chiếm đoạt tất cả những quyền và lợi đó.

Sự gian trá của ĐCSVN còn nằm ở chỗ là họ dùng các điều 256 (lợi dụng quyền tự do), điều 88 (tuyên truyền chống chế độ) của Luật Hình Sự phi pháp và vi hiến, để kết tội những ai có những quan điểm hay phát biểu chống lại các sản phẩm mị dân nói trên.

Ngộ nhận thứ ba mà ĐCSVN muốn tạo ra là quyền lợi của ĐCSVN và quyền lợi của dân tộc Việt Nam là một, là ĐCSVN luôn chăm lo cho quyền lợi của đất nước, trong khi sự thực quyền lợi của dân tộc và người dân Việt Nam và quyền lợi của ĐCSVN hoàn toàn đối nghịch nhau như sự đối nghịch giữa một đảng cướp và nạn nhân.

Kể từ khi ĐCSVN hiện hữu và nắm quyền ở Miền Bắc vào Tháng Tám, 1945 và nhất là sau khi họ thu tóm cả đất nước vào năm 1975, ĐCSVN giống như một đàn hổ đói cả về thức ăn lẫn quyền lực, bung ra ăn hại gặm nhấm đất nước. Ăn hại, tham nhũng, biển thủ diễn ra ở mọi cấp mọi nơi, càng cao càng hung bạo và táo tợn.

ĐCSVN đã rất thành công trong việc tạo dựng ra những ngộ nhận nói trên mà với năm tháng đã hằn sâu trong đầu óc của người dân Việt. Hai phương tiện mà họ sử dụng trong suốt chiều dài của ĐCSVN để đạt mục tiêu là sự dối trá và khủng bố tàn bạo.

Khẩu hiệu tuyên truyền của ĐCSVN
Sau hơn 85 năm hiện hữu của ĐCSVN trên đất nước, một số ngộ nhận kể trên đã gần như trở thành sự thật đối với nhiều người dân Việt, và rất khó xóa bỏ.

Đã từ lâu, đối với ĐCSVN, người dân Việt đã trở thành một đàn bò sữa sống trên một cánh đồng cỏ mênh mông là giang sơn nước Việt. Mục tiêu của ĐCSVN không gì hơn là giữ cho đàn bò tiếp tục sống, sống sao cũng được, không cần phải hạnh phúc, chỉ cần sống để họ có thể tiếp tục vắt sữa.

Họ muốn đàn bò ngoan ngoãn gặm cỏ nhưng tuyệt đối không được phản kháng hay nổi loạn. Đó là lý do tại sao ĐCSVN tạo ra những ngộ nhận khủng khiếp nói trên để ru ngủ, để người dân có cảm giác là đang sống trong một trạng thái bình thường, từ đó xoá đi những ý tưởng hay nhu cầu thay đổi hay nổi loạn.

Tất cả những gì ĐCSVN muốn cho người dân thấy tuyệt đối chỉ là những màn diễn, khi tinh vi, khi thô kệch, chìm trong dối trá, tất cả chỉ để ngăn chận ý tưởng phản kháng và nổi loạn của người dân.
Nhìn lại Đại Hội 12 của ĐCSVN, vì tin là người dân Việt đã chìm trong những ngộ nhận nói trên nên ĐCSVN đã tổ chức đại hội đảng của họ không khác gì một đại hội của quốc gia trong khi thực chất ĐCSVN cũng chỉ là một đảng phái chính trị như tất cả những đảng phái chính trị khác ở Việt Nam.
Họ tự cho họ độc quyền lãnh đạo đất nước.

Họ tự tiện dùng ngân sách quốc gia để chi trả cho tất cả những phí tổn rất xa hoa cho việc tổ chức cái đại hội riêng tư của đảng của họ.

Họ dùng cả lực lượng khổng lồ công an và quân đội, cùng với những trang thiết bị quân sự quốc phòng của quốc gia, để ra oai với nhau trong nội bộ đảng của họ.

Bao tháng trời ròng rã chuẩn bị, rồi 8 ngày đại hội, chi phi xa hoa tốn kém tiền dân để cho 1510 đại biểu phè phỡn ăn uống phủ phê rồi vào ngủ gục thoải mái trong giờ họp.

Đi đôi với sự lạm dụng và phung phí một cách phi pháp ngân sách của quốc gia như vậy của ĐCSVN, người ta không thấy họ dùng thời giờ của Đại Hội để bàn thảo hay đưa ra được một điều gì hữu ích cho đất nước về bất cứ phương diện nào về quốc phòng, về kinh tế hay xã hội, mà họ chỉ dùng thời giờ để chia ghế giành quyền trong nội bộ đảng.

Trong khi Trung Quốc ngày một xâm lấn hung bạo lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam dưới bóng ma của Hội Nghị Thành Đô, Đại Hội ĐCSVN đã không hề đá động gì đến một sách lược quốc phòng để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trong khi kinh tế đang suy trầm thảm hại ĐCSVN đã không đưa ra được một chính sách nào khả dĩ có thể cải tiến hay hồi phục.

Tất cả thời giờ của Đại Hội chỉ dùng để giải quyết quyền và lợi, cùng với những đấu đá từ công khai đến bí mật giữa những lãnh đạo chóp bu và phe phái.

Sau cùng, nhìn vào danh sách 180 ủy viên Trung Ương chính thức của Khóa 12, có đến 20 tướng lãnh quân đội và 5 Tướng công an được bầu; trong khi không có một cán bộ nào thuộc lãnh vực Giáo Dục, Y Tế được chọn vào cơ chế lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN.

Điều này cho thấy là Hà Nội không quan tâm gì đến tương lai và hạnh phúc của người dân khi không chú trọng gì đến việc đào tạo hay nâng cấp hai lãnh vực Giáo Dục và Y Tế có tầm vóc lớn, trong khi tiếp tục đi vào lối mòn củng cố bạo lực để duy trì bộ máy độc tài.

Do đó, chúng ta cần tỉnh táo để khẳng định và tức khắc chấm dứt những ngộ nhận nói trên và đừng bao giờ chờ đợi lãnh đạo ĐCSVN buông quyền lực độc tôn, nếu đại khối dân tộc không thực sự hành động bằng những nỗ lực đấu tranh quyết liệt.

Đỗ Đăng Liêu

Ân xá Quốc tế: Lãnh đạo mới của VN cần ưu tiên cải thiện nhân quyền

Chân Trời Mới Media


HOA KỲ – Trong một báo cáo phổ biến ngày 28 Tháng Giêng, 2016, tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Ân Xá Quốc Tế đã thúc dục các tân lãnh đạo Đảng CSVN phải ưu tiên cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam từ bấy lâu nay.

Bản báo cáo nhận định rằng, Việt Nam đang ngày càng cố gắng để chứng tỏ mình là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nước này cũng đang là thành viên của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và gần đây đã phê chuẩn Công Ước Chống Tra Tấn. Thế nhưng, đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, thực tế bên trong là tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam không hề suy giảm. Cái vỏ đó cũng là lá chắn cho thành tích nhân quyền của Việt Nam khỏi bị kiểm soát và nhờ đó nhà cầm quyền tránh được sự khinh miệt của cộng đồng quốc tế.


Bản báo cáo đưa ra trường hợp của tử tù Lê Văn Mạnh như là một minh chứng cho tình trạng vừa kể. Anh Mạnh bị xử oan sai và bị tra tấn buộc phải nhận tội trong một vụ án hiếp dâm và giết người từ năm 2005, rồi bị kết án tử hình. Tuy nhiên, những tin tức về sự oan sai trong vụ án này bị rò rỉ ra bên ngoài. Trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế và mạng xã hội, việc hành hình anh Mạnh đã được hoãn lại chỉ một ngày trước ngày thi hành án để được “xem xét lại”. Nhưng từ đó đến nay, không có thêm một tin tức nào về vụ án. Mặc dù mẹ của nạn nhân liên tục yêu cầu cơ quan công quyền cung cấp thông tin, bà vẫn không biết tương lai của con trai sẽ ra sao. Hệ thống tư pháp và tòa án từ chối tiết lộ và tìm cách che chắn cho cơ quan trách nhiệm trong việc đánh giá và giải trình trách nhiệm trong vụ án này.

Bản báo cáo của Ân Xá Quốc tế nhấn mạnh “Để đưa đất nước tiến lên phía trước, Tổng Bí thư phải bắt đầu cuộc cải cách toàn diện và bảo đảm chấm dứt xu hướng đàn áp của nhà cầm quyền.”

Vào tháng Ba năm ngoái, Bộ Công An cho biết trong vòng ba năm tính đến Tháng 9, 2014, đã có 226 người bị chết trong đồn công an hoặc trong trại giam. Bộ này cũng tuyên bố họ đã giải tán 60 nhóm đối lập “bất hợp pháp”, bắt giữ và “xử lý” 1.410 trường hợp liên quan đến 2.680 người “vi phạm an ninh quốc gia” – một thuật ngữ thường được sử dụng ở Việt Nam để nhắm vào những người hoạt động nhân quyền.

Không ai biết con số hơn một ngàn bốn trăm người vừa kể đã bị “xử lý” ra sao. Các con số đó có lẽ không bao gồm nhiều cuộc tấn công bạo lực nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền và người bất đồng chính kiến trong cả nước. Trong năm 2015 có 69 người hoạt động nhân quyền, cả nam và nữ, là mục tiêu của 36 vụ tấn công bạo lực do cảnh sát, hoặc những kẻ mặc thường phục mà nhiều người tin là làm việc cho hoặc với cảnh sát, gây ra.
 
Luật Sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà bị bắt ngày 16 Tháng 12, 2015.
Một thí dụ nổi bật là việc đánh đập Luật Sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài vào đầu tháng 12 năm ngoái. Ông Đài cùng với ba đồng nghiệp đã bị tấn công dã man sau khi họ tham dự một buổi nói chuyện về nhân quyền với một cộng đồng nông thôn ở huyện Nam Đàn, Nghệ An. Mười ngày sau đó ông bị bắt trên đường tới dự một cuộc đối thoại nhân quyền với các đại diện Liên Minh Âu Châu. Ông và đồng nghiệp là bà Lê Thu Hà bị cáo buộc vào tội “tuyên truyền chống nhà nước”, một cáo buộc có thể bị án tù 20 năm.

Bản báo cáo của Ân Xá Quốc Tế đã cụ thể hoá tiến trình thực hiện nhân quyền ở Việt Nam bằng hình ảnh “tiến một bước, lùi vài ba bước”.

Đầu tháng 10 năm 2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại đòi hỏi các nước ký kết như Việt Nam phải cho phép thành lập công đoàn độc lập, một khái niệm xa lạ ở quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, từ khi kết thúc đàm phán, các cuộc tấn công nhắm vào những người ủng hộ quyền của người lao động vẫn tiếp tục. Trong tháng 11, chị Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức – hai nhà hoạt động công đoàn và là hai cựu tù nhân lương tâm – đã bị những người đàn ông thường phục đánh đập, rồi bị công an sắc phục bắt đem giam giữ.

Nếu Việt Nam muốn được nhìn nhận như là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, việc đàn áp này phải chấm dứt. Cải cách triệt để cần được thực hiện ở khắp cả nước và ở tất cả các cơ quan của chính quyền để chính phủ thực hiện các lời hứa về nhân quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế.
Đây phải là ưu tiên của chính quyền mới của ông Nguyễn Phú Trọng.

Nguồn: Chân Trời Mới Media

Kinh tế Trung Quốc tăng khoảng 1% trong 2015

Gordon Chang
17/01/2016

Hôm thứ ba, Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc phát hành ước tính tổng sản lượng quốc gia của năm 2015. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết là tăng trưởng năm ngoái khoảng 7%, tức là đạt chỉ tiêu. Các phân tích gia được Reuters hỏi thăm thì cho là tăng trưởng ở mức 6.9%, là mức thấp nhấp trong vòng 25 năm qua.

Tuy nhiên các chỉ dấu trong năm lại cho thấy con số thấp hơn, có thể khoảng 1%.

Năm 2007, khi ông Lý còn là Bí Thư tỉnh Liêu Ninh, ông nói với một nhà ngoại giao Mỹ là các con số Bắc Kinh đưa ra là “nhân tạo”, vì lý do chính trị và do đó không tin cậy được. Ông cho biết là ông nhìn ba yếu tố khi muốn biết kinh tế ra sao: lượng điện tiêu dùng, lượng hàng hóa của xe lửa, và tiền vay của ngân hàng.

Ba yếu tố này, được gọi là “Chỉ số Lý Khắc Cường”, cho thấy gì? Mức độ điện tiêu dùng là một chỉ số tin cậy nhất của các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc. Trong 11 tháng đầu năm 2015, lượng điện tiêu thụ tăng 0.7%. Lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường xe lửa giảm 10.5% trong năm 2015. Số tiền vay bằng nhân dân tệ tăng 1.8 ngàn tỉ. Tiền vay bằng ngoại tệ giảm 50 tỉ đô la năm 2015. Trong khi năm 2014 thì tăng 58.2 tỉ đô la. Tiền vay tổng cộng giảm 467 tỉ nhân dân tệ trong năm 2015.

Ba yếu tố này cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể co rút lại trong năm ngoái.

Nhiều người cho rằng ba yếu tố này không còn quan trọng như trước đây vì chúng đo lường một nền kinh tế nặng về sản xuất trong khi Trung Quốc đang chuyển tiếp sang nền kinh tế chủ yếu về dịch vụ. Quốc Vụ Viện của Thủ Tướng Lý Khắc Cường nhức nhối với việc cho là tăng trưởng thấp nếu xét theo ba yếu tố này, đã đề nghị một chỉ số bao gồm ba yếu tố mới là công ăn việc làm, lợi tức cá nhân, và cải thiện môi trường.

Chỉ số mới này không chính xác và cũng không dễ tính toán. Bộ Lao Động và Bảo Đảm Xã Hội không còn phổ biến dữ kiện lao động cho thấy tăng trưởng thấp. Còn các số về lợi tức cá nhân thì có giúp làm sáng tỏ, nhưng yếu tố cải thiện môi trường thì chẳng ăn nhập gì đến mức sản xuất của kinh tế.


Một bình luận gia cho rằng chỉ số đo lường mới này giả định là lãnh vực sản xuất không có tác động gì đến kinh tế Trung Quốc. Thật ra ngành sản xuất vẫn còn đó và chiếm 40% nền kinh tế, nhưng đang trên đà thu nhỏ lại vì gặp nhiều vấn đề.

Hết ngành này đến ngành khác giảm mức sản xuất. Như ngành sắt thép chẳng hạn. Thép sản xuất giảm 2.2% trong năm ngoái.

Nhiều quan sát viên cho rằng ngành sản xuất không còn quan trọng nữa vì ngành dịch vụ, đang chiếm khoảng phân nửa của kinh tế, đang tăng mạnh. Điều này có thể không chính xác. Những biện pháp mạnh của Bắc Kinh để cứu lấy thị trường chứng khoán hồi tháng Bảy đã dập nát ngành dịch vụ tài chính. Mà trong năm ngoái ai cũng cho rằng dịch vụ tài chính đang thúc đẩy tăng trưởng. Nếu đúng vậy thì thì ngành dịch vụ tài chính đang kéo GDP xuống.

Có nhiều việc hứa hẹn xảy ra tại Trung Quốc trong lãnh vực dịch vụ và trên đường dài có thể làm thay đổi nền kinh tế, nhưng trong năm 2015 chúng không đủ mạnh để bù đắp sự sụp đổ thị trường tài chánh.

Còn về việc tiêu dùng. Theo các phân tích gia thì dân Trung Quốc tiêu thụ nhiều hơn và thúc đẩy kinh tế, bù đắp lại cho việc đầu tư đi xuống. Có thể điều đó sẽ xảy ra trên đường dài nhưng nó đã không xảy ra trong năm 2015.

Mức tiêu dùng tại Trung Quốc tăng chậm

Mức tiêu dùng không lên hay xuống. Theo các cửa hàng trên mạng báo cáo thì số bán có gia tăng, nhưng các cửa hàng ngoài đời thì số bán đi xuống. Nếu có thấy các cửa tiệm cà phê Starbucks mới thì cũng thấy các tiệm bán hàng xa xỉ đóng cửa. Tính trung bình thì lãnh vực tiêu dùng này tăng trưởng chậm.

Chỉ dấu quan trọng nhất cho thấy Trung Quốc năm 2015 không khá là mức giảm lạm phát toàn quốc. Ở quý 3, theo báo cáo mức tăng trưởng GDP chưa tính lạm phát là 6.2% trong khi GDP chính thức là 6.9%. Không có quốc gia nào với nền kinh tế lành mạnh mà lại cùng lúc bị giảm giá.

Do đó Trung Quốc không thể nào tăng trưởng gần 7% vào năm ngoái được.

Hoàng Thuyên lược dịch

Nguồn: Forbes

Theo Chân Trời Mới Media

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Ai thao túng Đại Hội 12?


Phạm Nhật Bình


Đúng như dự đoán đã đưa ra từ những ngày đầu, Đại Hội 12 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng vào chức vụ Tổng Bí Thư đảng thêm một nhiệm kỳ.

Là một trường hợp “đặc biệt” được đề cử mà không xin rút lui, sự đắc cử của ông Trọng không làm ai ngạc nhiên sau khi nhân vật có thể đối đầu với ông bị loại. Với số tuổi 72 và mái đầu bạc trắng, ông Trọng xuất hiện trong dáng vẻ một nhà lý luận Mác-Xít không ai bì kịp như chính lời ông tuyên bố: “Tổng bí thư phải là người có lý luận…”.

Sắp xếp nhân sự bài bản theo kế hoạch
 
Nhưng dư luận có phần không đồng tình với ông, ngoại trừ những người cùng phe cánh trong Trung Ương Đảng khóa 12 vừa được bầu. Người ta nói ông Trọng là một người tham quyền cố vị, đã thao túng Đại Hội 12 để bước lên chiếc ghế tổng bí thư đầy quyền lực.

Cáo buộc này không phải không có lý do.



Trước hết trong 11 đại hội đảng đã diễn ra, chưa có lần nào mà những tin tức hỏa mù của các hội nghị trung ương chuẩn bị Đại Hội 12 tung ra nhiều như lần này. Trải qua 4 Hội Nghị Trung Ương từ 11, 12, 13, 14 tập trung phần lớn vào “vấn đề nhân sự” cho thấy ông Trọng và phe cánh đã chuẩn bị rất kỹ càng.

Sự chuẩn bị này nhằm một mục đích duy nhất là ngăn chận ông Nguyễn Tấn Dũng và tay chân lọt vào Ban Chấp Hành Trung Ương XII, cho phép ông Trọng trở thành ứng viên duy nhất. Muốn trở thành tổng bí thư một lần nữa, tất nhiên ông Trọng với quyền hạn trong tay phải dồn mọi nỗ lực để có thể chiến thắng trước người đồng chí của mình.

Đảng CSVN sau một thời gian dài cầm quyền bằng cách cưỡng ép dân chủ, chà đạp lên quyền sống người dân, đã bước vào thời kỳ suy yếu và chia rẽ. Trong nội bộ đảng hình thành nhiều phe phái do sự thao túng của các nhóm quyền lợi, điển hình và tập trung nhất là phe đảng của Nguyễn Phú Trọng và phe chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng.

Sự chia rẽ lần này thể hiện rõ rệt nhất trong Đại Hội 12. Nguyễn Phú Trọng đã khôn khéo xử dụng Quyết Định 244 về “Quy chế bầu cử trong đảng” được ban hành từ Tháng 6/2014 trong Hội Nghị Trung Ương 9.

Quyết định này ghi rõ một điều mà trong Đại Hội 12 trở thành bức tường vững chắc khiến người có thể tranh quyền với Nguyễn Phú Trọng phải bó tay: “Ở các hội nghị của Ban Chấp Hành Trung Ương, các đồng chí Ủy Viên Bộ Chính Trị, Ủy Viên Ban Bí Thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính Trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính Trị.”

Không được nhận sự đề cử cũng có nghĩa dù được đa số các đoàn đại biểu giới thiệu cũng phải xin rút lui. Đây là trường hợp của Nguyễn Tấn Dũng đã lâm vào đường cùng trong đại hội vừa qua khi không còn có thể thi thố, xoay trở gì hơn. Bài bản của Nguyễn Phú Trọng được chuẩn bị thật công phu qua từng giai đoạn một, buộc Nguyễn Tấn Dũng cuối cùng phải nhận số phận định sẵn do Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 12 đa số là thân tín của ông Trọng.

Quyết Định 244 cản đường tiến của Nguyễn Tấn Dũng

Ông Trọng có tham quyền kế vị hay không chỉ cần nhìn vào cách mà ông điều hành đại hội thông qua sự ngoắt ngoéo của Quyết định 244. Nó cho phép ông gạt đối thủ sang một bên, cuối cùng độc diễn trong một vở bi hài kịch mà ông là người thắng cuộc. Những ai quan tâm đến cuộc đấu đá không khỏi khen ngợi sự trí trá của ông Trọng bày ra trò “đề cử, xin rút” và vận động liên tục để từng bước loại người đã từng làm ông rưng rưng nước mắt trước kia.

Việc gợi ý “tổng bí thư phải là người gốc miền Bắc, nắm vững lý luận Mác-Lê”, nhất là không dính dáng đến gia đình có tỳ vết tham ô cho thấy một cách khá rõ ý đồ lèo lái đại hội theo hướng mình. Ông Trọng có vẻ không ngần ngại chỉ ra người xứng đáng nhất chỉ có thể là mình. Có nắm vững lý luận Mác-Lê mới có thể giữ cho đảng tồn tại và đi đúng con đường đã vạch ra, dù cần đến một thế kỷ nữa như chính ông đã thừa nhận.

Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng tại Đại Hội 12. (Ảnh: Reuters)



Trong cuộc tranh giành quyết liệt chiếc ghế tổng bí thư, biết bao vụ thư rơi, thư tố cáo, tiết lộ tài liệu mật nội bộ do đám tay chân ông Trọng tung ra hàng ngày trên các diễn đàn. Chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chứ không ai khác hơn đã đứng sau chỉ đạo các đàn em tay sai trong Ban Tuyên Giáo như Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thế Kỹ dàn trận tấn công tới tấp phe Nguyễn Tấn Dũng. Nhất là cho Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương liên tục viết bài tấn công về “lợi ích nhóm”, ám chỉ tập đoàn tham nhũng “Nguyễn Tấn Dũng”.

Không thể nói gì khác hơn là ông cao tay ấn hơn thủ tướng đương nhiệm. Nhưng sự cao tay ấn của một tổng bí thư mang biệt danh “Trọng lú” cũng rất đáng nghi ngờ. Một tháng trước ngày khai mạc Đại Hội 12, Hà Nội loan báo tin Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng lên đường viếng thăm Trung Cộng. Chuyến đi không bình thường này chỉ có thể được hiểu trong mối quan hệ “răng môi” giữa đôi bên mà một lời khuyên bảo của “người thày đồng thời là đồng chí anh em” ngay lúc này là vô cùng cần thiết.

Tâm lý sống còn của một lãnh đạo đảng chư hầu như ông Trọng luôn luôn đi tìm chỗ dựa an toàn trong các cuộc tranh chấp. Nó cho phép Nguyễn Phú Trọng có đủ mưu mô được bày vẽ từ Bắc Kinh để loại trừ một đối thủ cũng nhiều đòn phép như Nguyễn Tấn Dũng. Điều đó cũng phù hợp với chiến lược trường kỳ của Bắc Kinh không để bất cứ nhân vật cầm quyền nào xích lại quá gần với Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai đối thủ của Trung Cộng trên Thái Bình Dương.

Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam Tháng 11/2015.

Vì vậy mà ngay sau khi ông Trọng tái đắc cử, Tập Cận Bình đã gởi ngay lời chúc mừng đến ông Nguyễn Phú Trọng để khẳng định: “Số phận hai bên càng ngày càng thắt chặt”. Hai chữ “số phận” này vẽ ra một tương lai không mấy sáng sủa cho Việt Nam.

Rõ ràng sự thao túng và tham quyền cố vị của Nguyễn Phú Trọng cuối cùng giúp ích rất nhiều cho âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.

 Phạm Nhật Bình

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Đảng Cộng sản Việt Nam đã phân hóa

Lý Thái Hùng

(Ảnh: AFP)

Sau gần 3 năm chuẩn bị với những Hội nghị Trung ương đầy căng thẳng do sự khuynh loát của hai phe: phe đảng đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, và phe chính phủ đứng đầu là ông Nguyễn Tấn Dũng, Đại hội lần thứ 12 của đảng CSVN đã kết thúc sau 8 ngày nhóm họp từ ngày 20 đến 28 tháng 1 năm 2016 vừa qua.

Dấu ấn rõ nhất của Đại hội 12 này có mấy điểm đáng chú ý.

Thứ nhất là một tháng trước ngày đại hội khai mạc, ông Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và chỉ thị cho Bộ tư lệnh lực lượng Cảnh sát cơ động phải huy động hơn 5 ngàn cảnh sát bảo vệ an ninh cho Đại hội. Thành phố Hà Nội cũng đã ra thông cáo giới hạn sự di chuyển trên 33 tuyến đường phố trong 8 ngày. Cục an toàn thực phẩm phải cắt cử cán bộ đến túc trực 24/24 tại các nhà hàng, nhà bếp phục vụ Đại hội để ngăn ngừa những vụ ngộ độc có thể xảy ra. Những điều này cho thấy là Đại hội 12 đã diễn ra trong một tình trạng bất ổn, lo âu về một cuộc đột biến chính trị nào đó có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Phú Trọng làm việc với Bộ tư lệnh lực lượng Cảnh sát cơ động ngày 2 tháng Giêng, 2016. (Ảnh: Trí Dũng)

Thứ hai là tin tức về những thảo luận và sắp xếp nhân sự thượng tầng đã được hai phe tung ra bên ngoài với nhiều dữ kiện thật giả lẫn lộn, để tấn công nhau gay gắt ngay trước và trong Đại hội. Điều này cho thấy là sự chia rẽ trên thượng tầng đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, đấu đá nhau không chút khoan nhượng. Chưa bao giờ mà vấn đề nhân sự lại tạo chia rẽ, tranh giành “ghế” căng thẳng như vậy trong Đại hội 12, nhất là ghế Tổng Bí thư giữa đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.

Thứ ba là một đại biểu, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đọc bài tham luận trong Đại hội, phê phán công khai rằng: “Hệ thống chính trị hiện nay là rào cản, trở ngại cho sự phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, và là yêu cầu hết sức cấp bách... mà đảng cần chủ động nghiêm khắc đánh giá lại chính mình.” Đây là một biệt lệ chưa từng có, nói lên nguy cơ tụt hậu và phá sản của đất nước, đồng thời phản ảnh khuynh hướng “không còn sợ hãi” khi nói ra sự thật của những đảng viên còn lương tâm và ý thức.

Thứ tư là tin Cụ Rùa Hồ Gươm có trên 100 tuổi đã từ trần vào chiều tối ngày 19 Tháng Giêng, một ngày trước khi diễn ra phiên trù bị của Đại hội 12, dấy lên một làn sóng bàn tán về hiện tượng linh thiêng này ứng với tương lai đen tối của đảng CSVN. Nhưng điểm đáng nói là qua truyền thông mạng, những bàn tán nói trên cùng với các tin tức đấu đá nội bộ được chuyển tải rộng rãi, không chỉ phá vỡ bưng bít thông tin mà còn khiến cho lãnh đạo CSVN bối rối trước các tin đồn, buộc họ phải lên tiếng hầu trấn an sự lùng bùng trong nội bộ đảng.

Với sự rút lui của ông Nguyễn Tấn Dũng khỏi cuộc đua ghế Tổng Bí thư vào phút chót, tuy có làm giảm bớt không khí căng thẳng của Đại hội, nhưng lại báo hiệu một đợt sóng ngầm khác có thể xảy ra trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, một trong hai ủy viên trẻ nhất của Ban chấp hành Trung ương Khóa 12.

Đó là khi ông Dũng rời ghế Thủ tướng quay về lại Kiên Giang, nơi mà ông Dũng đã cho xúc tiến xây dựng đảo Phú Quốc thành một cơ đồ riêng trong nhiều năm qua, với người con trai cả Nguyễn Thanh Nghị đang là Bí thư Kiên Giang, và vừa được vào Trung ương đảng, chắc chắn sẽ tạo thành thế đối đầu mới với phe nhóm ông Trọng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng tuy có giữ được ghế Tổng Bí thư thêm vài năm trước mặt, nhưng sẽ không còn có thể giữ đảng CSVN thành một khối thống nhất như trước Đại hội 12. Vì thế, với những đấu đá gay gắt hiện nay, cho thấy là lãnh đạo CSVN khó có thể thỏa hiệp như trong quá khứ, đặc biệt trước một con đại bàng Trung Quốc đang chực chờ phân thây đất nước Việt Nam để dễ dàng thực hiện tham vọng khống chế Biển Đông.

Trước những tình huống nói trên, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải quan tâm một số điều:

Một, cần cảnh giác trước các loại thông tin được tung lên các diễn đàn, để không bị rơi vào sự khuynh loát của các phe nhóm, cũng như tránh rơi vào những đòn kích động giả của chính dư luận viên CSVN hầu làm cho hàng ngũ đấu tranh rơi vào thế bị động.


Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 11 năm 2015.

Hai, cần nắm vững là không hề có khuynh hướng “bảo thủ, giáo điều” hay “cởi mở, dân chủ” cũng như bám Trung hay thoát Trung thật sự nào trong thượng tầng lãnh đạo CSVN, mà chỉ là thủ đoạn của các phe tung ra, nhằm tạo hỏa mù trong dư luận để vừa gây áp lực đối phương, vừa tạo ra những tranh luận giả tạo trên các diễn đàn, làm tản sức đấu tranh chung.

Ba, cần hỗ trợ và giúp đỡ những đảng viên đảng CSVN đã can đảm vượt qua sự sợ hãi dám đứng lên chỉ trích, phê phán những sai lầm của lãnh đạo đảng. Khi có nhiều người đảng viên lên tiếng chống đảng sẽ giúp cho hàng ngũ của lực lượng dân tộc lan tỏa, tạo thành những sức ép đáng kể lên chế độ CSVN.

Bốn, góp phần đẩy mạnh thế liên kết giữa các lực lượng dân chủ để sớm hình thành một lực đầu tàu hầu có thể điều hướng các nỗ lực đấu tranh của bà con dân oan, công nhân, thanh niên sinh viên, trí thức và các tổ chức đảng phái, xã hội dân sự đối đầu lại với đảng CSVN, hầu vận động số đông vùng lên dứt điểm chế độ.

Sau cùng, sự kiện Cụ Rùa Hồ Gươm từ trần đúng vào dịp khai mạc đại Đội 12 đã linh thiêng ứng nghiệm vào lúc chưa bao giờ có một đại hội rối beng, đầy nghi kỵ và mâu thuẫn như lần này, cho chúng ta thêm một xác tín là tương lai của đảng CSVN không còn bao lâu nữa trước sự dấn thân và quyết tâm của toàn dân.


Lý Thái Hùng


Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Tuyên bố nhân đại hội đảng cộng sản lần thứ 12



Tuyên bố
của các tổ chức chính trị và dân sự độc lập tại Việt Nam
nhân đại hội đảng cộng sản lần thứ 12


Kính gởi:
- Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước
- Các chính phủ dân chủ năm châu, các cơ quan nhân quyền quốc tế.

Xét rằng

1- Đảng cộng sản Việt Nam đang họp đại hội lần thứ 12 của mình. Các đảng viên sẽ có một việc chủ yếu là bầu ra tổng bí thư. Đó là vấn đề riêng của họ, đại đa số nhân dân không quan tâm ai sẽ giữ chức vụ này. Nếu có thì chỉ theo dõi cho biết những cuộc đấu đá giữa các phe nhóm trước và trong thời gian đại hội, với đủ chiêu trò vu khống, vạch trần, triệt hạ lẫn nhau, bằng đủ cách thức phi pháp, đê tiện hay thâm độc. Điều này cho thấy đại hội đảng chỉ là dịp để tranh giành quyền lực và chia chác quyền lợi, chứ chẳng hề vì lợi ích của đất nước (y như 11 kỳ đại hội đảng trước đây).

2- Giả như có một tổng bí thư mới được bầu ra mà còn có chút lương tâm ngay chính, ý thức trách nhiệm và tình tự dân tộc, ông ta cũng chẳng có thể làm được gì tốt đẹp cho Tổ quốc, vì bị khống chế bởi nguyên tắc đảng trị, bị bó rọ trong thể chế độc tài, bị cột chặt vào mục tiêu quyền lực đảng hơn lợi ích nước. Trừ phi ông ta giải tán đảng cộng sản y như Mikhail Gorbachev ở Liên Xô.

3- Điều đáng quan tâm là đại hội đảng cộng sản lại tự tiện bầu chọn ba chức vụ liên can trực tiếp tới việc quản lý quốc gia, điều hành đất nước: thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội. Nghĩa là một nhóm nhỏ quan chức đảng (trên 1.500 người) lại độc quyền quyết định tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt.

4- Theo nền chính trị văn minh của nhân loại tại các nước dân chủ đích thực trên thế giới, ba chức vụ quan trọng này phải là kết quả của ý muốn toàn dân. Là chủ nhân của đất nước, toàn dân có toàn quyền bầu ra một cơ quan quyền lực cao nhất để đại diện cho mình, tức là một Quốc hội đa đảng và dân chủ sau một cuộc tranh cử công bằng và chân thực cũng như qua một cuộc bầu cử tự do và công minh. Để rồi do cuộc bầu cử này, 3 chức vụ nói trên được thành hình từ một quốc hội đúng nghĩa: của dân, do dân và vì dân.

5- Thế nhưng, tại Việt Nam suốt hơn 70 năm qua, đảng cộng sản đã nắm được quyền lực chính trị không phải do toàn dân giao cho bằng lá phiếu tự do mà chỉ nhờ dùng vũ lực để chiếm đoạt (chính đảng cũng tự nhận đã “cướp chính quyền”). Và trong các kỳ đại hội của mình, đảng lại tự quyền chọn lựa ba chức vụ thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, sau đó bày trò hợp thức hóa qua quốc hội gia nô, thuộc đảng, rồi bắt toàn dân phải thừa nhận.

6- Ba nhân vật quan trọng này cũng như toàn thể quốc hội đều xuất phát từ đảng, tuân theo lệnh đảng, hành động vì đảng, chịu trách nhiệm trước đảng, thay vì xuất phát từ nhân dân, theo lệnh nhân dân, hành động vì nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Do đó

1- 70 năm qua, đất nước trượt dài vào bế tắc chính trị, khủng hoảng kinh tế, suy đồi văn hóa, thoái biến môi trường, bất an xã hội, và nhất là yếu nhược quốc phòng, khiến Việt Nam có nguy cơ bị Trung Quốc nuốt chửng.

2- Chúng tôi, các tổ chức chính trị và dân sự độc lập ký tên dưới đây, mạnh mẽ phản đối và cực lực lên án hành vi ngang ngược của đảng cộng sản nói trên. Đó là chà đạp các quyền chính trị cơ bản của toàn dân Việt Nam.

3- Chúng tôi cũng vạch trần ý đồ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016–2021 vào ngày 22-05-2016 tới đây theo kiểu “đảng cử dân bầu”, mang tính cưỡng bức và dối trá như bao cuộc bầu cử trước.

4- Cùng với toàn dân, các tổ chức chính trị và xã hội dân sự độc lập sẽ có những việc làm cần thiết, không để diễn lại màn kịch dân chủ giả hiệu mà đảng và giới cầm quyền đã dàn dựng mấy chục năm qua dưới chế độ độc tài, ngõ hầu tiếp tục làm mưa làm gió trên sân khấu chính trị.

Tuyên bố tại Việt Nam ngày 26-01-2016, nhân đại hội đảng CS lần thứ 12.

Các tổ chức chính trị và xã hội đồng ký tên

01- Bạch Đằng Giang Foundation. Đại diện: Thạc sĩ Phạm Bá Hải
02- Ban Đại diện Khối Nhơn sanh Đạo Cao Đài. Đại diện: Các chánh trị sự HứaPhi, Nguyễn Kim Lân, Nguyễn Bạch Phụng
03- Cộng hòa Thời báo (Úc châu). Đại diện: Ông Nguyễn Quang Duy.
04- Đảng Dân chủ Nhân dân VN. Đại diện: Bác sĩ Lê Nguyên Sang
05- Đảng Việt Tân. Đại diện: Giáo sư Phạm Minh Hoàng
06- Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ. Đại diện: Mục sư Nguyễn Hoàng
Hoa.
07- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Đại diện: Tổng thư ký Lê Quang Hiển.
08- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Kỹ sư Phạm Văn Trội và Mục sư Nguyễn Trung Tôn.
09- Hội Cựu tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Linh mục Phan Văn Lợi
10- Hội Phụ nữ Nhân quyền VN. Đại diện: Bà Trần Thị Nga
11- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
12- Người Bảo vệ Nhân quyền. Đại diện: Ông Vũ Quốc Ngữ
13- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải.
14- Sài Gòn báo. Đại diện: Linh mục Lê Ngọc Thanh
15- Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất. Đại diện: Hòa thượng Thích Không Tánh

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Mang tính kế thừa?

Phạm Nhật Bình
 

Trong những ngày qua, nhiều thông tin từ những nhân vật tham dự Đại Hội dần hé lộ nhiều chi tiết chung quanh vấn đề nhân sự tới lúc này vẫn chưa thực sự ngã ngũ.

Theo sự giải thích của Thượng Tướng Võ Tiến Trung, Giám Đốc Học Viện Quốc Phòng thì việc Hội Nghị 14 giới thiệu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ở lại là có thật và "mang tính kế thừa, giữ vững ổn định chính trị và nhất là giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng." Đây là nhân vật đặc biệt duy nhất được đề cử và “dũng cảm” chấp nhận, không xin rút lui dù tuổi tác cao nhất trong tứ trụ Khóa XI.
Bỏ qua việc tìm hiểu ai là người được bầu làm đầu đảng sắp tới và tạm tin vào lời nói của Tướng Võ Tiến Trung, thử tìm hiểu xem nếu ông Nguyễn Phú Trọng “ngồi lại” ông ta sẽ kế thừa (hay thừa kế) cái gì?

Thứ nhất, ông Trọng sẽ kế thừa một nền kinh tế tụt hậu với cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là ít nhất trong 5 năm trước mắt, quốc doanh vẫn là chủ đạo, cổ xe kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục vừa chạy vừa đạp thắng. Bộ máy tham nhũng vẫn chạy đều trong lúc Ủy Ban Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương do ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu tiếp tục chạy vòng quanh các đại án tham nhũng chưa được giải quyết. Và tham nhũng vẫn ổn định như tuyên bố của Tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh.

Nền kinh tế Việt Nam tụt hậu không còn là nguy mà là thực chất với cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau một nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, sự chỉ đạo của đảng vẫn chỉ loay hoay trong tình trạng nợ nần ngập đầu không lối thoát. Tổng Bí Thư Trọng không thấy đưa ra một chính sách rõ rệt nào khả dĩ lèo lái con thuyền quốc gia đang chông chênh trước bão táp từ Trung Cộng, nhất là vụ HD 981. Thỉnh thoảng ông Trọng lại đóng góp một vài câu tuyên bố làm trò cười cho cư dân mạng, kiểu như “tham nhũng như ngứa ghẻ”… hay “đánh con chuột đừng để vỡ bình”… “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

Mới đây, báo cáo kinh tế tăng trưởng 7% cao nhất trong 5 năm là một cách vuốt ve làm đảng vững lòng dấn sâu vào con đường mù mịt. Mức độ thất vọng của người dân tăng cao song hành với nợ công, đó là “điểm sáng” mà đảng không muốn thấy.

Thứ hai, về ổn định chính trị, xem ra chẳng những ông Trọng không giữ vững được ổn định chính trị mà bất ổn chính trị sẽ tăng cao. Vì lẽ trong khi “đổi mới chính trị là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển quốc gia” như lời Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu trước Đại Hội đảng hôm 22/1, thực sự trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Trọng “đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm”. Ông Trọng không cần làm gì thêm trong nhiệm kỳ mới vì ông chỉ kế thừa một tình trạng đã được đảng chấp nhận.

Mọi người đều hiểu, không phải đảng tránh né cải cách chính trị mà đảng không bao giờ muốn cải cách chính trị. Bất cứ sự đổi mới thể chế nào trước sau cũng phá vỡ pháo đài độc quyền chính trị, từ đó đảng phải chia sẻ quyền lực, chuyện mà đảng đã công khai lên tiếng từ chối thẳng thừng.

Như Giáo Sư Vũ Minh Giang, Ủy Viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương đã từng khẳng định: “Trong tình hình hiện nay đặt vấn đề chia sẻ quyền lực thì không thực tế.” Vì không thực tế nên đảng giữ chặt quyền lực trong tay cho chắc ăn.

Ông Trọng sẽ kế thừa trọn vẹn sự ổn định như bao năm qua, tiếp tục đánh dẹp các thế lực thù địch đến hơi thở cuối cùng. Nhân dân thì tay không, đảng có lực lượng “công an còn đảng còn mình”. Ngoài ra quân đội không được đảng tin cậy mấy nên cứ luôn mồm kêu gọi “phải tuyệt đối trung thành với đảng”.
Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 11 năm 2015.

Nói cách khác, “kiên định chủ nghĩa Mác-Lê”, đó là tất cả những gì ông Trọng có thể kế thừa để giữ ổn định tình hình, nhất là với các đồng chí Bắc Kinh của ông.

Thứ ba, sự đoàn kết thống nhất trong đảng ngày nay là chuyện mà các đảng viên từ trên xuống dưới đều biết là không hề có. Hay nó chỉ có qua sự ràng buộc chằng chịt giữa lợi lộc chia chác giữa các đảng viên. Ngay ở cấp cao nhất, ít nhất một lần ông Trọng đã mua được kinh nghiệm về sự đoàn kết trá hình đó khi ông rơi lệ vì không kỷ luật được Thủ Tướng Dũng.

Đại hội 12 đang bày ra một tình trạng quyết đấu hỗn loạn chưa từng có trong nội bộ đảng. Nó cho mọi người nhìn thấy gan ruột của những người gọi nhau bằng hai chữ “đồng chí” thân thương đượm màu giả dối. Con ngươi của cặp mắt đảng nay ngày càng bị che mờ bởi sự xông xáo làm giàu bất chính của các tầng lớp đảng viên “còn đảng còn đô-la”.

Không phải không có lý do khi bộ mặt đảng bị các đảng viên tận tình bôi tro trát trấu thành gương mặt của một bạo chúa hám lợi, say mê quyền lực. Liệu Nguyễn Phú Trọng sẽ kế thừa và giữ sự đoàn kết trong đảng thế nào khi chính ông ta cũng đang cầm đầu một đám lâu la chiến đấu một mất một còn với phe của Nguyễn Tấn Dũng?

Kịch bản nhân sự chưa chấm dứt sau 3 ngày đầu tiên của Đại Hội 12 cũng phơi bày dù chưa trọn vẹn, những ngón đòn bí hiểm của hai phe mang ra sử dụng.

Hơn ai hết, ông Nguyễn Phú Trọng biết chắc chắn nếu giành được chiếc ghế Tổng Bí Thư, ông sẽ kế thừa một đảng Cộng Sản Việt Nam không còn nguyên vẹn.

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Đại Hội XII Đảng CSVN và những đấu đá nội bộ

Thanh Thảo - Chân Trời Mới Media


Chân Trời Mới Media (Thanh Thảo): Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới khai mạc Đại Hội Đảng lần thứ 12 tại Hà Nội, quy tụ 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4 triệu đảng viên trên toàn quốc. Đại Hội kéo dài 8 ngày với hai nội dung chính yếu là thông qua một số văn kiện liên quan đến đường lối chính sách trong 5 năm tới và bỏ phiếu chọn 200 tân ủy viên Trung ương đảng chính thức và dự khuyết cho khóa XII. Cũng trong Đại hội này, 200 tân ủy viên Trung ương đảng sẽ bầu tân Bộ chính trị, Ban Bí Thư và Tổng Bí Thư Đảng. Có thể nói Đại hội XII đã có nhiều tin đồn nhất liên quan về những tranh giành ảnh hưởng giữa hai phe đảng đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng và phe chính phủ đứng đầu là ông Nguyễn Tấn Dũng. Để tìm hiểu vấn đề này xin mời quý vị theo dõi nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

Thanh Thảo: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Theo như dư luận chung cả Việt Nam và quốc tế đều cho rằng Đại Hội 12 là đại hội có nhiều tin đồn nhất và hiện giờ ai sẽ là Tổng bí thư không thể tiên đoán được, tại sao vậy thưa ông?

Lý Thái Hùng: Trong một quốc gia có những sinh hoạt chính trị bình thường thì việc một đảng cầm quyền tổ chức một đại hội đảng để bầu lại nhân sự lãnh đạo hoặc thông qua đường lối chính sách cho nhiệm kỳ tới không phải là điều bí mật hoặc trở thành một đe dọa về an ninh quốc gia.

Sự chuẩn bị Đại Hội 12 của đảng CSVN cũng không đi ra ngoài quy luật bình thường nói trên, nhưng nó đã trở thành điều mà chị vừa đề cập là vì chính lãnh đạo CSVN đã tạo một ấn tượng sai lầm trong dư luận qua cách họ chuẩn bị:

- Điều động hơn 5 ngàn cảnh sát cơ động để bảo vệ an ninh cho đại hội.
- Cấm người dân di chuyển trên 33 tuyến đường phố chính trong 8 ngày diễn ra Đại Hội.
- Huy động cán bộ thực phẩm và an ninh để canh chừng 24/24 việc lo thực ăn cho đại hội.

Những chuẩn bị nói trên cho thấy là xã hội Việt Nam đang có hiện tượng bất thường: đảo chánh nội bộ hoặc diễn biến hòa bình từ thế lực bên ngoài.


Ông Nguyễn Phú Trọng đến tận Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động giao
nhiệm vụ bảo vệ Đại Hội 12 vào ngày 2 Tháng Giêng, 2016. Ảnh: TTXVN.
Diễn biến hòa bình từ thế lực bên ngoài chắc chắn là không xảy ra vì đây là chuyện nội bộ của riêng đảng CSVN. Người dân không mấy quan tâm vì nhân sự nào lên lãnh đạo đảng CSVN thì xã hội Việt Nam cũng không có gì thay đổi.

Vấn đề còn lại là lãnh đạo CSVN lo sợ đảo chánh nội bộ. Tức là phe này “chơi” phe kia để giành lấy thắng lợi sau cùng bằng những đòn tấn công và triệt hạ bằng thư tố cáo, mua chuộc nhằm khuynh loát các đại biểu tham dự Đại Hội.

Việc đấu đá giữa các phe trong nội bộ đảng CSVN đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ nhưng cuối cùng các phe đã phải thỏa hiệp nhau để duy trì quyền lực và mọi vị trí đều được dàn xếp kín bên trong Bộ Chính Trị. Ngay cả Trung Ương Đảng của những khóa truớc đây đều can dự nhiều vào sự sắp xếp kín của các phe cho nên vì thế mà sự đồn đoán về nhân sự thường thì được tiết lộ trước ngày Đại Hội khai mạc.

Lần này cũng vậy, lãnh đạo CSVN cố che giấu những rạn nứt và đấu đá ở thượng tầng nhưng càng che giấu họ càng để lộ sự mâu thuẫn giữa hai phe đảng đứng đầu là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và phe chính phủ đứng đầu là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Phú Trọng thì muốn dùng Quyết Định 244 để loại Nguyễn Tấn Dũng không nằm trong danh sách đề cử của Trung Uơng Đảng khóa XI nhằm không được tái cử cho khóa XII. Trong khi Nguyễn Tấn Dũng không viết đơn xin tái cử nhưng muốn dùng đàn em của mình trong Trung Ương Đảng đề cử ngay tại Đại hội để cho các đại biểu bỏ phiếu quyết định.

Điều này cho thấy là hai phe đảng và chính phủ đã không còn có thể thỏa hiệp vì hai lý do:

Thứ nhất là những lợi ích nắm giữ của hai phe quá lớn và không chỉ giới hạn ở một số nhân sự mà đã lan tỏa đến nhiều thành phần cán bộ như một “bầy sâu”. Do đó sự tranh chấp đã đi đến chỗ quyết liệt một mất một còn.

Thứ hai là Bắc Kinh không dễ dàng buông thả cho các phe mặc cả lẫn nhau mà tìm cách khuynh loát để luôn luôn phải dựa vào Bắc Kinh.

Chính vì những đấu đá một mất một còn không thể thỏa hiệp như quá khứ cho nên hai phe đã tung ra nhiều nguồn tin khác nhau để khuynh loát đại hội nên vì thế mới xảy ra tình trạng chưa biết ai sẽ là người giành chiến thắng cuộc đấu đá quyền lực này.

Thanh Thảo: Theo ông thì lý do gì mà vào tháng 4/2014, Bộ chính trị lại ra Quyết Định 244 mang tính chất đi ngược với điều lệ đảng là mọi đại biểu có quyền đề cử, ứng cử ngay tại Đại Hội?

Lý Thái Hùng: Sự sụp đổ hàng loạt Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty vào năm 2010 và 2011 đã là cơ hội ngàn vàng để cho phe Nguyễn Phú Trọng tìm cách triệt hạ vây cánh của phe Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 2012, Nguyễn Phú Trọng dùng diễn đàn Trung Ương Đảng khóa XI để biểu quyết biện pháp kỷ luật đối với Nguyễn Tấn Dũng là người tổng chỉ huy bộ máy doanh nghiệp của Việt Nam; nhưng thay vì Trung Ương Đảng biểu quyết kỷ luật lại đánh giá cao các nỗ lực của “chính phủ” giữ vững nền kinh tế trong lúc đang bị chao đảo trước cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới.

Thất bại trong việc kỷ luật ông Dũng và để ngăn tham vọng ông Dũng muốn trở thành Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước cho khóa XII, Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra Quyết Định 244 do chính ông Trọng ký tên ban hành vào Tháng 4 năm 2014, để quy định về một số thủ tục ứng cử, đề cử trong đảng.

Nguyễn Phú Trọng đã dùng Quyết Định 244 để loại Nguyễn Tấn Dũng tái cử Khóa XII.
Ngoài ra, đối với những Ủy viên Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư khóa XI ở trong trường hợp đặc biệt (quá tuổi hưu) phải có sự đề cử của Bộ Chính Trị thì mới được tái cử Khóa XII.

Nói cách khác là 1.510 đại biểu tham dự Đại Hội XII chỉ bầu chọn tân Trung Ương Đảng Khóa XII dựa trên danh sách đề cử của Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng Khóa XI. Quy chế bầu cử này đã tạo ra sự lùng bùng chính trong nội bộ đảng CSVN và cho rằng ông Trọng đã dàn xếp để ngăn chận phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng.

Vì thế mà trong ngày trù bị của Đại Hội XII vào ngày 20 Tháng Giêng vừa qua, các đại biểu đã thông qua quy chế bầu cử trong đó có đề cập về việc ứng cứ đề cử của các Ủy Viên Trung Ương Đảng Khóa XI có một chút thay đổi.

Đó là Ủy viên Trung Ương Đảng Khóa XI không được Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng Khóa XI giới thiệu thì người này không được ứng cử. Còn nếu được các Đại Biểu của Đại Hội đề cử thì người này phải xin rút, do quy định là: không được ứng cử và nhận được đề cử. Nhưng cuối cùng quyền quyết định cao nhất vẫn là Đại Hội.

Nói cách khác là dù Điều 13 của Quyết Định 244 trói buộc các Ủy Viên Trung Uơng Đảng Khóa XI như ông Nguyễn Tấn Dũng, không có tên trong danh sách đề nghị tái cử cho Khóa XII, thì cũng có thể ra tranh cử tại Đại Hội vào giờ cuối, nếu thu phục được quá bán phiếu Đại Biểu của Đại Hội ủng hộ việc tái cử Khóa XII.

Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng làm được điều này thì sẽ lật ngược thế cờ vào giờ phút cuối và có thể giành ghế Tổng Bí Thư từ tay ông Trọng.

Thanh Thảo: Qua những văn kiện chuẩn bị Đại Hội 12, theo ông thì Đại Hội này có gì thay đổi không?

Lý Thái Hùng: Như mọi lần chuẩn bị các đại hội đảng trước đây cũng như lần này, lãnh đạo CSVN thường đưa ra hai văn kiện chính là Báo Cáo Chính Trị và Chiến Lược Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội từ 2016-2021.

Để tạo dáng vẻ dân chủ và quan tâm đến ý kiến đóng góp của đảng viên, người dân, các văn kiện nói trên đã được lãnh đạo Hà Nội soạn thảo từ hơn 1 năm trước và tung ra lấy ý kiến từ tháng 10 năm 2015.

Hình ảnh một buổi góp ý về các văn kiện đại hội 12 tại Đồng Tháp. CSVN đã tốn hàng ngàn tỷ đồng để tổ chức những sinh hoạt vô bổ và nhàm chán trong khi ngân sách thiếu hụt, nhiều địa phương phải khai phá sản vì hết tiền để trả cho công nhân viên nhà nước.
Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã họp báo khoe là có đến 24 triệu lượt người góp ý kiến nhưng chỉ là những góp ý cò mồi, không có bất cứ ý kiến nào dám chống lại các nội dung của hai văn kiện vì sẽ bị gán ghép vào tội “lợi dụng dân chủ, tuyên truyền chống phá đảng và nhà nước” theo điều 258 của Luật Hình Sự.

Do đó mà nội dung chính của hai văn kiện nói trên chỉ là rập khuôn theo những gì đã từng được soạn thảo của các kỳ đại hội trước đây, không hề thay đổi.

Mấu chốt chính vẫn là tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các doanh nghiệp nhà nước nắm vị trí chủ đạo và nhất là không chấp nhận mô hình chính trị đa nguyên, đa đảng.

Đây là yếu tố then chốt đã khiến cho người dân không quan tâm, không để ý gì đến Đại Hội Đảng CSVN.

Thanh Thảo: Một ngày trước khi diễn ra Hội nghị trù bị đại hội XII, cụ Rùa Hồ Gươm có hơn 100 tuổi từ trần, nhiều người cho rằng đây là điều linh thiêng ứng báo điều gì đó cho tương lai Việt Nam nói chung và cho đảng CSVN nói riêng. Ông nhận định về tình hình Việt Nam sẽ như thế nào sau Đại Hội XII thưa ông?

Lý Thái Hùng: Rùa là loại linh vật, nó gắn liền với thần bảo tồn trong thần thoại, ở Việt Nam gắn với Thần Kim Quy. Với mu rùa tượng trưng cho bầu trời, bụng nó phẳng tượng trưng cho mặt đất; vì thế mà nhiều nhà khảo cổ cho rằng nhà sàn của người Việt là biểu tượng bắt nguồn từ hình tượng con rùa, mang ý nghĩa vững chắc. Con người sống trong nhà sàn đó là sống trong nguồn sinh lực nối giữa trời và đất nên người ta cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh.

Theo Tiến Sĩ Hà Đình Đức, nhà nghiên cứu về Rùa Việt Nam thì cho là Rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ Lam Kinh, Thanh Hóa, cùng quê với vua Lê Lợi và được vua Lê thả vào Hồ Gươm, vì trước đó không có thông tin gì về loài rùa lớn nào tại Thăng Long.

Rùa Hồ Gươm lúc còn khoẻ mạnh.
Tin Rùa Hồ Gươm có trên 100 tuổi từ trần hôm 19 Tháng Giêng, một ngày trước khi hội nghị trù bị của Đại Hội 12 khai mạc đã tạo ra nhiều tin đồn nào là báo hiệu thời kỳ suy tàn của đảng CSVN, hay là điềm xấu cho sự tranh giành quyền lực giữa ông Trọng và ông Dũng.

Liên quan đến đại hội 12, dù ông Trọng hay ông Dũng lên làm Tổng Bí Thư, nội bộ đảng CSVN đã không còn là khối thuần nhất. Các phe tiếp tục đấu đá nhưng lần này sẽ công khai đổ tránh nhiệm lẫn nhau về các thất bại trong những chính sách kinh tế - xã hội để giành thế thượng phong vì những lợi ích kinh tế mang lại cho phe nhóm.

Do đó sau Đại Hội 12, đảng CSVN sẽ rơi vào ba viễn cảnh sau đây:

1/ Tổng Bí Thư không còn khả năng cầm chịch quyền lực ở trong đảng như từ trước đến nay. Trung Ương Đảng sẽ trở thành nơi đấu đá của các phe để tìm ảnh hưởng cho những quyết định về nhân sự, về hướng đi chứ không còn nằm trong tay một thiểu số nào.

2/ Trung Quốc tiếp tục chi phối một số nhân sự để qua đó khuynh loát những quyết định quan trọng về kinh tế, đối ngoại, an ninh quốc phòng nhằm ngăn chận Việt Nam đi gần với Hoa Kỳ, Nhật Bản.

3/ Xã hội Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng toàn diện vì hết tiền cạn kiệt ngân sách và tranh chấp Biển Đông leo thang. Tình hình này sẽ đẩy cho Hà Nội lúng túng đối phó trong những ngày tới.

Với những diễn biến tình hình như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho phong trào dân chủ để sớm chấm dứt ách độc tài Cộng sản, mang lại những thay đổi tốt đẹp hơn cho Việt Nam,

Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.

Nguồn: Chân Trời Mới Media

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Các tổ chức dân chủ và xã hội dân sự Miến Điện và Việt Nam đòi trả tự do cho Ls. Nguyễn Văn Đài


Ngày 22 tháng 1 năm 2016

Các tổ chức dân chủ và xã hội dân sự Miến Điện và Việt Nam cùng kêu gọi trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài


Trong khi Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu cuộc họp Đại Hội Đảng lần thứ 12 thì nhiều nhà đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam vẫn còn bị giam cầm. Trước việc này chúng tôi khẳng định rằng chế độ độc tài độc đảng không có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam hay trên thế giới.

Trong tinh thần đoàn kết trong vùng, các tổ chức dân chủ và xã hội dân sự Miến Điện và Việt Nam cùng nhau kêu gọi thả ngay lập tức Luật sư nhân quyền và blogger Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự của ông là cô Lê Thu Hà.

Luật sư Nguyễn Văn Đài là một nhà đấu tranh cho tự do dân chủ đa đảng lâu năm tại Việt Nam. Trong một bài quan điểm gửi cho BBC, ông viết rằng “việc xây dựng chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam là cần thiết, là xu thế tất yếu của quá trình phát triển xã hội và cải cách dân chủ. Đa đảng sẽ tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực, chống lại độc tài độc đoán.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài thành lập Trung Tâm Nhân Quyền Việt Nam để thúc đẩy xây dựng xã hội dân sự với những chương trình nhằm mở rộng mạng lưới pháp lý và xây lực cho giới hoạt động bảo vệ nhân quyền. Vào tháng Năm 2013, Ls Đài sáng lập Hội Anh Em Dân Chủ, bao gồm nhiều cựu tù nhân lương tâm và nhà hoạt động để phối hợp các nỗ lực đấu tranh ôn hòa khắp nơi tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2015 về tội cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” và hiện đang bị biệt giam tại nhà giam B14 ở Hà Nội. Cả hai đều bị tước quyền gặp luật sư và người thân. Trước khi bị bắt, Ls Đài bị theo dõi thường xuyên và nhiều lần bị hành hung tàn bạo. Trước đó Ls Đài từng bị bắt giữ vào năm 2007, bị cáo buộc với cùng tội danh và bị án tù bốn năm.

Hoạt động của Luật sư Nguyễn Văn Đài được sự đồng tình của nhiều người Việt và Miến Điện, khi tin rằng các quyền căn bản như tự do ngôn luận và lập hội phải được chính quyền của họ tôn trọng.
Chúng tôi, những tổ chức ký tên dưới đây, kêu gọi cộng đồng quốc tế, kể cả ASEAN, yêu cầu thả ngay lập tức và vô điều kiện Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà và tất cả các tù nhân chính trị. Khi đã tham gia ký kết Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và ICCPR, Hà Nội phải tôn trọng các quyền căn bản của người dân Việt Nam.

Đồng ký tên

• Action Committee for Democracy Development
(Ủy Ban Hành Động Xây Dựng Dân Chủ)
• Equality Myanmar
(Miến Điện Bình Đẳng)
• Generation Wave
(Thế Hệ Cơn Sóng)
• Human Rights Defenders Forum
(Diễn Đàn của Giới Bảo Vệ Nhân Quyền)
• Human Rights Defenders and Promoters
(Giới Bảo Vệ và Cổ Xúy Nhân Quyền)
• Human Rights Defenders Myingyan
(Giới Bảo Vệ Nhân Quyền Myingyan)
• Human Rights Educators Network (does not have logo)
(Mạng Lưới Giáo Dục Nhân Quyền)
• Yangon Youth Network
(Mạng Lưới Tuổi Trẻ Yangon)
• Bạch Đằng Giang Foundation
• Con Đường Việt Nam
• Dân Trí Việt
• Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự
• Đảng Việt Tân
• Hoàng Sa FC
• Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam
• Hội Anh Em Dân Chủ
• Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo
• Hội Bầu Bí Tương Thân
• Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam
• Lao Động Việt
• No-U Sài Gòn
• Sài Gòn Báo
• Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Lại đổi mới và trong sạch

Phạm Nhật Bình


Càng gần đến ngày đại hội đảng, Ban Tuyên Giáo Trung Ương càng ra sức huy động các cây bút của mình làm giảm nhẹ nguy cơ tan rã, đánh bóng những thành tích mơ hồ của đảng để điều hướng dư luận.

Nhiều lần chính ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Thường Trực hay Trưởng Ban Đinh Thế Huynh phải thân chinh làm người che giấu, bảo vệ cho đảng trước những chê bai khinh miệt của quần chúng chung quanh cuộc đấu đá tranh quyền ở cấp cao nhất đang diễn ra.

Ông Vũ Ngọc Hoàng

Đặc biệt trước khi giã từ sân khấu chính trị để về hưu, Vũ Ngọc Hoàng đã xuất hiện trên khá nhiều báo để khẳng định rằng lãnh đạo rất đoàn kết. Đặc biệt trong bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ nhan đề “Nhà lãnh đạo phải trong sạch và đổi mới”, ông Hoàng tuyên giáo không ngần ngại tán dương Hội Nghị Trung Ương 14 “thành công tốt đẹp”, mặc dầu dư luận bên ngoài đã quá rõ sự tranh quyền đã bước vào những giờ phút quyết liệt nhất.

Theo thông lệ, chuyện bầu bán của đảng được giấu kỹ như “bí mật quốc gia”. Mọi người chỉ được biết đến qua những thông tin rò rỉ từ chính những người tham gia hoặc liên quan trực tiếp đến đại hội. Nhưng qua những hình ảnh đầy xáo trộn của 4 hội nghị trung ương liên tiếp, viên Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo đã vô tình tiết lộ nhiều chi tiết cho thấy sự gay go trong những cuộc họp trước ngày đại hội diễn ra chính thức.

Cuối cùng, người ta cũng biết được ít nhiều những thông tin được giữ kín trong những ngày qua. Như việc tiến hành chọn nhân sự phải bỏ phiếu kín đến hai lần cho mỗi “chức danh” hay việc biểu quyết đề cử bổ túc một số trường hợp được mô tả là “đặc biệt”.

 

Trong mớ bòng bong ấy, trường hợp các lãnh đạo đầu sỏ của đảng đã quá tuổi về hưu cương quyết ở lại đã khiến cho những lời đồn đoán được tung ra công khai, thật giả lẫn lộn. Một nguồn tin cố tình cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng trở thành kẻ thắng cuộc vẻ vang và bộ ba còn lại Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn Dũng về vườn không kèn không trống.

Cũng theo cuộc phỏng vấn, diễn tiến bầu bán nhắc tới phương án một trường hợp “đặc biệt” là Ủy viên Bộ Chính Trị Khóa XI được giới thiệu lại để tham gia khóa XII mà Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đồng thuận với số phiếu rất cao: 19/19.

Dĩ nhiên không ai biết được đây là nhân vật nào, nhưng qua ý kiến nhiều người trên diễn đàn, dư luận đề cập đến việc ông Nguyễn Phú Trọng đã “độc diễn” tại Hội Nghị Trung Ương 14 và buộc mọi người tuân thủ Quyết Định 224: ai không được Bộ chính trị đề cử phải xin rút.

Sự độc diễn của ông Trọng, trong vai trò Tổng Bí Thư và Trưởng Tiểu Ban Nhân Sự Đại Hội 12 đã sắp xếp để tìm mọi cách loại ông Dũng ra khỏi vị trí quyền lực mà ai cũng thấy.

Để làm nhẹ những xung đột ngầm về cuộc đấu đá nội bộ, ông Hoàng nhân dịp này đề cập đến chuyện “chọn cán bộ” tài đức, trong sạch để phục vụ nhân dân. Nhưng ông lại tự hỏi: “Chúng ta chọn cán bộ sao đó mà người tài trong bộ máy ngày càng ít đi. Sao mà nhân tài bây giờ cứ thưa vắng dần.”

Ông giả vờ không biết hay không dám đề cập đến một sự thật mà ai cũng biết. Đảng không chọn nhân tài mà chọn vi cánh, tay chân, hay nói cách khác là “kéo bè kết cánh”. Tay chân đảng bao giờ cũng được sàng lọc theo tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên”. Hoặc gần đây hàng loạt các “thái tử đảng” được đưa vào những vị trí mà từ đó có thể dễ dàng ngoi lên ghế lãnh đạo sau này. “Cũng con cháu các cụ cả” là câu mà người dân mỉa mai kiểu lựa chọn “cán bộ kế thừa” đó.

Độc quyền chính trị đưa đến độc quyền lựa chọn người cai trị diễn ra khắp nơi, bất cần tiêu chuẩn thông thường ngoài tiêu chuẩn con ông cháu cha. Cán bộ đạo đức trong sạch giờ đây chỉ là mơ mộng của những đầu óc không dám nhìn vào sư thật chốn quan trường nhuộm màu đỏ chói.

Để đánh lạc hướng dư luận và che giấu tương lai không mấy sáng sủa, ông Vũ Ngọc Hoàng lại sa chân vào vấn đề đổi mới trong bài trả lời phỏng vấn của mình. Ông nêu lên quan điểm cần tiếp tục “đổi mới mạnh mẽ” và thừa nhận không chỉ đổi mới kinh tế, mà còn phải đổi mới về chính trị.

Sự thừa nhận này là tuyệt đối vô ích vì suốt 30 năm qua đảng chỉ ngập ngừng cho cỗ xe “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vừa đi vừa đạp thắng. Chính cái định hướng ấy mang lại biết bao hệ lụy cho đời sống nhân dân do nền kinh tế tụt hậu, sự sụp đổ của các công ty quốc doanh chủ đạo, giúp sức cho tầng lớp cai trị dễ dàng làm giàu phi pháp.

Công an "chỉ biết còn đảng, còn mình".

Còn đổi mới về chính trị thì không có gì khác hơn những lời tuyên bố rỗng tuếch về dân chủ pháp trị xã hội chủ nghĩa. Bộ máy công an, tư pháp ôm cứng những điều luật mơ hồ và phi lý để ràng buộc người dân giữa một bên là sự quy phục hoàn toàn và một bên là chiếc còng số 8. Nói cải cách chính trị nhưng những đạo luật để thực hiện những quyền căn bản của người dân như Luật Biểu Tình, Quyền Đình Công, Quyền Lập Hội thì quốc hội thông đồng cùng chính phủ giấu kỹ trong ngăn kéo ngày này qua tháng khác… Hay nói chính xác hơn, chưa có lệnh đảng thì cải cách cứ chờ đó.

Nói tóm lại, Đại Hội 12 là một cơ hội cho hai phe biến nghị trường thành bãi chiến trường tận tình sát phạt lẫn nhau. Qua những diễn biến gần đây, vấn đề đoàn kết trong đảng được các đảng viên đầu sỏ biến thành trò hề. Họ công khai kéo bè kết phái, tận tình đấu tố nhau để tranh giành quyền lực ngay trên đầu nhân dân. Trong khi bên ngoài thì Trung Quốc cứ tuần tự găm nhấm biển đảo, thoải mái tông chìm tàu ngư dân Việt.

Thế nhưng từ Trưởng Ban Đinh Thế Huynh đến Phó Ban Vũ Ngọc Hoàng liên tục phủ nhận, cho rằng đó là những lời xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Dĩ nhiên không có thế lực thù địch nào đủ khả năng thúc đẩy được 16 ủy viên Bộ Chính Trị làm việc mà họ đang làm, hầu để đảng tan nát như trong buổi chợ chiều.

“Nhà lãnh đạo phải trong sạch và đổi mới” giống như một khẩu hiệu lỗi thời mà ông Hoàng sơn phết lại. Nó cũng chẳng che giấu được chút nào tương lai đen tối của đảng CSVN.