Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Tự ứng cử - một bước tiến dài

Vũ Thạch



Những tia hy vọng cuối cùng vào Đại Hội 12 vừa tắt lịm thì tin tức dồn dập nổi lên về mức tụt hậu mới của đất nước. Theo chỉ số thống kê trên nhiều mặt vào đầu năm 2016, Việt Nam nay không chỉ thua Thái Lan, Phi, Mã Lai, Nam Dương, mà còn rớt xuống một tầng thấp mới -- chính thức thua cả Lào và Campuchia. Rất đông người Việt Nam đang túa sang 2 nước này để tìm kiếm "tương lai".

Chính vì thế mà việc một số những người có lòng với đất nước, từng tích cực hoạt động xã hội dân sự, tích cực phản đối TQ xâm lược, quyết định ra tự ứng cử vào Quốc Hội, đã như một ly nước lạnh mát cho cơn khát của dân tộc. Đại đa số dân cư mạng lập tức ủng hộ, khen ngợi, khuyến khích, và hân hoan tiếp tay.

Tuy nhiên, đó đây vẫn vang lên một vài tiếng nói quan tâm. Các quan tâm này không phải không có lý và có thể rút về 2 điều lo lắng: (1) Việc tham gia ứng cử có làm loãng đi những kêu gọi tẩy chay màn kịch bi hài "đảng cử dân bầu" hiện nay không? (2) Việc tham gia vào tiến trình bầu bán có vô tình tạo thêm tính chính danh cho cái "cuốc hội công cụ" của đảng CSVN không?

Trước hết, có lẽ cần thừa nhận tác động không nhiều của việc tẩy chay bỏ phiếu. Ai cũng biết mọi chế độ độc tài đều dùng công thức: người bỏ phiếu không quan trọng, chỉ cần kẻ đếm phiếu. Nghĩa là dù người dân có bầu hay không và bầu với tỉ số bao nhiêu thì chế độ độc tài vẫn tuyên bố thắng cử gần như tuyệt đối cho các ứng viên của họ. Đó là thực tế của nhiều năm qua mà chẳng ai làm được gì. Trong khi đó, nếu nay có nhiều người dân cố tình ra ứng cử và biết trước Đảng sẽ dùng mọi mánh khóe để gạt họ ra, dân tộc ta sẽ có cả một chồng hồ sơ bằng chứng để cả thế giới thấy trò hề bầu cử tại Việt Nam và nhận chân một sự thật là hệ thống cầm quyền hiện nay KHÔNG đại diện cho dân tộc Việt Nam. Trong các cuộc bầu cử quốc hội trước, đã có vài trường hợp ứng cử rất can đảm cho mục tiêu vừa nêu, như Ls. Lê Quốc Quân, Ls. Lê Công Định, ... nhưng còn quá hiếm. Lần này sẽ khác!
Luật sư Lê Quốc Quân tự ứng cử đại biểu quốc hội vào năm 2011. Hình: J.B Nguyễn Hữu Vinh
Cũng vậy, việc những người dân vừa có lòng vừa có khả năng ra ứng cử không hề tạo thêm tính chính danh cho "cuốc hội công cụ", mà ngược lại họ cho toàn dân cơ hội so sánh. Trong lúc các đại biểu quốc hội gốc đảng hiện nay chẳng ai dám đụng đến TQ xâm lược, chẳng ai biết gốc rễ tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng hiện nay, chẳng ai dám chỉ ra nguồn gốc các tệ nạn xã hội hiện nay chứ chưa nói gì đến giải pháp, ... thì từng ứng viên ngoài đảng đã công bố ý hướng, hoài bão, và chương trình hành động của mình. Họ không phải là những người hứa hão nhưng đã thực sự là những người biểu tình chống TQ dù phải bước đi một mình tại một quốc gia Đông Nam Á xa lạ; Họ biết rõ cách thức kiện TQ trước tòa quốc tế và sẵn sàng làm điều đó khi có vai trò đại diện quốc gia; Họ đã từng là các nhà nghiên cứu cấp quốc gia và làm kinh tế rất thành công; Họ là những người từng đi băng bó xã hội, từng đi giúp những người cùng khổ tìm công lý, ...

Tóm lại, chỉ với số người tự ứng cử hiện nay, người dân đã có thể thấy câu ngụy biện xưa nay "Không có đảng CSVN thì lấy ai lãnh đạo, dẫn dắt đất nước!" là điều cực kỳ phi lý. Rõ ràng bên ngoài đảng hiện có rất nhiều người có thể điều hành đất nước hơn xa các quan chức đảng. Và còn quan trọng hơn nữa, chỉ khi nào đất nước được điều hành bởi những người ngoài đảng thì đất nước mới mong đi ngược lại hướng lạc hậu hiện nay; mới thoát ra khỏi thảm trạng cứ mò mẫm đi về hướng CNXH mà không biết nó là gì, ở đâu; để rồi càng ngày càng suy bại và lệ thuộc ngoại bang.
Bà Đặng Bích Phượng (trái) và bà Nguyễn Thúy Hạnh là hai ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 này.
Việc các nhà hoạt động xã hội dân sự ra ứng cử quốc hội còn đánh dấu một bước tiến lớn trong nhận thức về tiến trình đấu tranh chung cho tương lai đất nước. Rõ ràng mọi nỗ lực tạo đổi thay tích cực cho xã hội, nếu muốn bền vững và không dựa vào từ tâm của vài cá nhân đang nắm quyền, thì các đổi thay đó phải được LUẬT HÓA và phải có một hệ thống công quyền bị ràng buộc thi hành luật pháp. Nếu không đạt được 2 điều kiện nền tảng đó, các nỗ lực của xã hội dân sự, dù có thành công, chỉ mang tính giai đoạn, chóng tan biến. Nói cách khác, mọi con đường tạo đổi thay tích cực và lâu bền cho toàn xã hội, sớm muộn gì, cũng đều dẫn đến các nỗ lực mang tính chính trị và tiến vào đấu trường chính trị.

Thực tế đó dẫn đến nhu cầu nhận thức lại về vai trò của các đảng phái chính trị. Thử nhìn rộng ra các nước dân chủ trên thế giới, người ta có thể thấy các đảng phái chính trị ra đời không nhất thiết chỉ vì thèm khát và muốn giành cho được cái ghế cai trị cao nhất để hưởng độc quyền độc lợi cho mình. Cách nhìn đó quá hạn hẹp và chỉ phản chiếu hoàn cảnh sống quá lâu trong tình trạng độc đảng bất thường tại Việt Nam. Phần lớn người dân Việt chỉ có một nền tảng để phóng chiếu là đảng CSVN và cách hành xử của họ.

Thật ra, các đảng phái chính trị tại các nước khác có nhiều vị trí và đóng nhiều vai trò khác nhau. Họ dám đứng ra gồng gánh đất nước trong những ngày tháng vừa phôi thai ra đời như các đảng chính trị tại Israel, Singapore; hay trong những giai đoạn thập tử nhất sinh như các đảng chính trị tại Âu Châu trong thế chiến 2. Có những đảng chính trị chỉ muốn tạo thay đổi bền vững về một lãnh vực mà họ cho là cực kỳ hệ trọng như các đảng xanh, chuyên tranh đấu cho môi sinh, tại Âu Châu. Có những đảng chính trị chấp nhận nhiều hy sinh chỉ vì muốn đưa đất nước ra khỏi tình trạng ngập tràn bất công và thù hận như đảng của ông Nelson Mandela tại Nam Phi; ra khỏi tình trạng tụt hậu, chia rẽ chủng tộc, và lệ thuộc ngoại bang như đảng của bà Aung San Suu Kyi, ....
Bà Aung San Suu Kyi là một ví dụ điển hình của sự chấp nhận hy sinh chỉ vì muốn đưa đất nước ra khỏi tình trạng tụt hậu. Hình: Reuters
Do đó, đã đến lúc cần nhìn đúng đắn rằng đảng phái chính trị đơn thuần là những nhóm hoạt động có tổ chức hữu hiệu trong môi trường chính trị. Có đảng xấu xa, ác độc, xử dụng đất nước như bệ ngồi, nhưng cũng có đảng rất lý tưởng, vị tha, và trung thành với dân tộc. Không nên gộp chung tất cả đảng phái chính trị thành một loại và đồng hóa với đảng CSVN.

Với các định nghĩa rút từ thực tế nêu trên, khó có ai còn làm cái việc vô lý là tự vạch lằn ranh giữa các nhóm hoạt động XHDS với các nhóm vận động dân chủ, vận động thay đổi guồng máy cầm quyền. Sự phân vùng ấy vừa là hành động tự trói tay chân vốn còn rất yếu của mình, vừa rơi vào cái bẫy phân hóa tinh vi của chế độ độc tài.

Năm 2016 quả là năm sôi nổi ngay từ những ngày đầu. Nếu Đại Hội XII vừa đánh dấu một bước thụt lùi lớn của đảng CSVN, thì việc xuất hiện hàng loạt các ứng viên bên ngoài tầm tay của đảng lại đánh dấu một bước tiến rất lớn, mang tính bộc phá, trong nỗ lực cứu lấy đất nước của dân tộc Việt.

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Thái Hà dâng Thánh lễ, thắp nến cầu nguyện cho Đan Viện Thiên An và TNLT bị khủng bố, đàn áp

J. B. Nguyễn Hữu Vinh


Thánh lễ cầu nguyện cho Công Lý - Hòa Bình tháng 2/2016 tại Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà đã dành cho chủ đề Cầu nguyện cho Đan viện Thiên An (Huế) đang bị nhà cầm quyền Thừa Thiên - Huế tìm mọi cách bách hại và xâm chiếm trái phép. Đồng thời, cũng cầu nguyện cho Tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật đang bị khủng bố, triệt đường sống bởi nhà cầm quyền Tỉnh Lâm Đồng cũng như các TNLT khác đang bị giam giữ, bách hại bằng nhiều hình thức khác nhau.
Thánh lễ đồng tế do Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong chủ tế, các linh mục Bề trên, Phó Bề trên DCCT Thái Hà và các linh mục thuộc DCCT Hà Nội cùng đồng tế.

Trước Thánh lễ, Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã nêu ý nghĩa của Thánh lễ và cầu nguyện cho Công Lý - Hòa Bình hôm nay, cả Thánh đường hàng ngàn người đã rất xúc động trước những hành động bất chấp luật pháp và nhân tính của nhà cầm quyền CSVN khắp nơi đang gieo tội ác với công dân của mình. Trong khi thể hiện sự hèn hạ mạt rệp trước kẻ thù dân tộc.

Trong bài giảng lễ, linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện, Cố vấn Tỉnh Dòng CCT Việt Nam, Trưởng Ban Công lý - Hòa Bình Tỉnh Dòng đã nêu bật ý nghĩa sự quan phòng và tình thương của Thiên Chúa đối với những người bị bách hại bởi nhà cầm quyền và thế lực cậy nhờ vào quyền lực ma quỷ.
Thánh lễ quy tụ hàng ngàn giáo dân tham dự và nhiều người thuộc tôn giáo bạn yêu chuộng công lý, sự thật và hòa bình cùng tham gia.

Hàng ngàn ngọn nến đã thắp sáng trời đêm nâng lên những lời cầu nguyện tha thiết dâng lên Thiên Chúa lời khẩn cầu cho đất nước Việt Nam đươc an bình cho các nhà lãnh đạo Việt Nam sớm được soi sáng lương tâm, từ bỏ con đường Cộng sản để trở về với nhân dân, đưa đất nước thoát khỏi họa Cộng sản và họa xâm lăng.

Một số hình ảnh Thánh lễ hôm nay:















Hà Nội, ngày 28/2/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn: Blog Nguyễn Hữu Vinh


Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Ký kết gia nhập TPP rồi sao nữa?



Phạm Nhật Bình


Sau 5 năm với nhiều vòng đàm phán gay go, cuối cùng Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã được 12 quốc gia ký kết ngày 4 Tháng 2 Năm 2016 tại New Zealand (Tân Tây Lan), trong đó có Việt Nam.

Sự kiện kinh tế thế giới này kết hợp 12 quốc gia đứng đầu là Hoa Kỳ thành một vành đai kinh tế qui mô mà khi bước vào hiệu lực, có thể mang lại lợi nhuận thương mại nhiều tỷ đô-la cho các nước thành viên. Ngoài ra, ý nghĩa chính trị của Hiệp Định còn là một mắt xích hỗ trợ thiết yếu cho chiến lược trở lại Á Châu của Hoa Kỳ trong tình hình Trung Cộng ngày càng tỏ ra nhiều tham vọng bành trướng trên Biển Đông.

Nhưng Việt Nam ký kết gia nhập rồi sao nữa?

Thứ nhất, Việt Nam có một thời hạn 2 năm chuẩn bị các điều kiện thích hợp trước khi thông qua hiệp định để chính thức bước vào một sân chơi kinh tế thế giới. Dĩ nhiên đây chính là dịp Việt Nam chứng tỏ nỗ lực của mình tiếp theo sau những lời hứa hẹn cải cách tốt đẹp để được gia nhập.

“Cá chép hóa rồng” là ước mơ của hầu hết các nhà kinh tế Việt Nam, nhưng làm gì để cá chép hóa rồng mới là điều đáng nói. Sau 8 năm gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu trên đường hội nhập, do nhà nước giữ chặt độc quyền kinh tế, hệ quả của sự đổi mới nửa vời từ nền kinh tế tập trung trong tay nhà nước sang nền kinh tế thị trường. Liệu lần này Việt Nam có vượt qua được con đường TPP được mô tả là một văn kiện mậu dịch chặt chẽ hơn hết, không chỉ ràng buộc về kinh tế mà còn nhiều mặt khác liên quan tới nhân quyền.

Tự do ngôn luận hay tự do thông tin và minh bạch là nền tảng cho mọi giao thương quốc tế. Đây là chuyện Việt Nam phải làm để kiện toàn bộ máy vận hành song song cùng các quốc gia thành viên. Thiếu tự do thông tin và không minh bạch, Việt Nam không khác một ốc đảo kinh tế sinh tồn bằng sự che giấu, tự vỗ tay khen lẫn nhau.

Nhưng ngay trong năm 2015, bộ mặt nhân quyền của Việt Nam vẫn bị quốc tế đánh giá là tồi tệ. Bộ Thông Tin và Truyền Thông mà người chủ của nó là Ban Tuyên Giáo Trung Ương vẫn nắm chặt báo chí trong tay và liên tục bóp nghẹt những tiếng nói không được đảng ưa thích.

Ông Nguyễn Bắc Son tại Hội thảo quốc gia "90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm" hôm 18 Tháng 6, 2015.
Dù đã có Luật Báo Chí từ năm 1990 nhưng sau 15 năm thi hành, tình trạng không có gì thay đổi. Dự án Luật Báo Chí trong năm 2015 vẫn rào đón chặt chẽ quyền tự do thông tin và không đề cập đến báo chí tư nhân. Vì như lời khẳng định của Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son “báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của nhà nước." Luật Báo Chí cũng chỉ là công cụ giúp nhà nước thống trị tư tưởng toàn dân, giữ vững chuyên chính vô sản.

Cho đến nay, theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), có ít nhất 15 bloggers và nhà báo tự do còn bị cầm tù.

Bên cạnh đó, mới đây Dự Luật biểu tình cũng bị chính phủ yêu cầu quốc hội trì hoãn với nhiều lý do từ Bộ Công An đưa ra. Do chưa có luật biểu tình, đa số những cuộc biểu tình “tự phát” đều bị nhà cầm quyền tìm cách đàn áp.

Công nhân tại hãng sản xuất giày da Pou Yuen ở khu công nghiệp quận Bình Tân, Sài Gòn đình công phản đối luật bảo hiểm mới hồi Tháng 3, 2015 (Ảnh: Reuters)
Điều có thể khó khăn nhất cho Việt Nam là nhanh chóng cải tổ rất nhiều luật lệ mà lâu nay trở thành vật cản cho sự phát triển. TPP không chỉ là tự do mậu dịch hay phá dỡ hàng rào thuế quan, mà gắn liền với tình trạng nhân quyền của mỗi nước. TPP cũng không chỉ bước vào để hưởng lợi, làm giàu mà phải nghiêm chỉnh thi hành những cam kết trước đó.

Ngoài Luật Báo Chí, sự thiếu sót về quyền lập hội, tự do công đoàn đến nay vẫn bị bỏ qua trên thực tế. Một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập TPP là định chế Công đoàn độc lập. Nhưng sau ngày 4 Tháng Hai, Việt Nam vẫn im lặng và ngang nhiên cho côn đồ đánh đập những nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân như Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức.

Nền kinh tế thị trường Việt Nam có được từ sau những năm 1980 vốn được chỉ đạo bởi hướng đi vô định của kinh tế xã hội chủ nghĩa, kèm theo một thể chế độc quyền chính trị. Nó không cho phép một ai thoát khỏi vòng kim cô của đảng trị, do đó yếu kém trong cách điều hành kinh tế ngày càng bộc lộ.
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ nói về TPP trong một cuộc phỏng vấn của báo chí đã thừa nhận, trong tương lai doanh nhân và chính phủ Việt Nam có thể đối mặt với nhiều khó khăn chưa hề có. Chẳng hạn quy định cho phép nhà đầu tư đưa Nhà nước ra tòa trong trường hợp Nhà nước có các quyết định gây hại, trái với các điều khoản của TPP.

Trong khi đa số doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo lề lối nửa bao cấp nửa kinh tế thị thường thì doanh nghiệp tư nhân èo uột không thể đóng vai trò lớn hơn. Dù vậy doanh nghiệp tư nhân bao giờ cũng là thành phần kinh tế phát triển nhanh nhất, hiệu quả nhất nếu nhà nước sớm có những thay đổi căn bản về quyền sở hữu đất đai, sở hữu trí tuệ, quyền công dân. Bình đẳng trong kinh doanh thúc đẩy khu vực nhà nước sớm rời bỏ vai trò chủ đạo để cạnh tranh trong một sân chơi mới.



TPP là một hình thức kinh tế thị trường đúng nghĩa và thực sự cho mọi quốc gia. Do vậy, Việt Nam không thể thiết lập hay điều hành chính sách kinh tế bằng nghị quyết của đảng cầm quyền. Việt Nam cần phải theo đúng cam kết và luật lệ đã thỏa thuận giữa 12 nước thành viên của TPP mà Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng.

Ông Nguyễn Đình Lương đưa ra nhiều điểm khó khăn Việt Nam cần vượt qua để “hóa rồng” và kêu gọi “đổi mới hơn nữa”. Lãnh đạo đảng cũng liên tục hô hào “tiếp tục đổi mới” từ nhiều năm qua, nhưng tất cả đều cố tình quên vấn đề nhân quyền, mà bao trùm trên hết là đổi mới hệ thống chính trị.

Điểm rất quan trọng này đã được Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh nói lên trước diễn đàn Đại Hội 12 vừa qua “Thực tế năm năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế, đạt kết quả nhất định. Nhưng đổi mới hệ thống chính trị thì hầu như chưa làm. Chính vì vậy, công cuộc đổi mới năm năm qua chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.”

Việt Nam còn thời gian 2 năm nữa để TPP có hiệu lực thi hành sau khi được thông qua. Nếu không thực tâm vì quyền lợi dân tộc, nếu cứ lấp liếm các điều kiện đã cam kết thay đổi thì chuyện vào TPP chỉ là chuyện “đánh trống bỏ dùi”.

Chừng ấy thay vì hóa rồng, thì đất nước vẫn chỉ là con cá nằm phơi bụng trên vũng cạn.

Lên án côn đồ - được bảo kê - tấn công cá nhân và gia đình phóng viên Trần Minh Nhật

Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn
và Truyền thông Tin Mừng Cho Người Nghèo 38 Kỳ Đồng, P.9, Q.3, Sài Gòn

Sài Gòn 24.02.2016
 
TUYÊN BỐ Về trường hợp côn đồ - được bảo kê - tấn công cá nhân và gia đình anh Trần Minh Nhật


Cựu Tù nhân lương tâm (TNLT) Trần Minh Nhật, sống tại xã Đạ Đờn-huyện Lâm Hà-tỉnh Lâm Đồng, một trong những phóng viên của Truyền thông Tin Mừng Cho Người Nghèo (GNsP) do một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Văn phòng Công lý Hòa bình (CLHB) thuộc DCCT Sài Gòn thành lập, bị côn đồ – được bảo kê bởi công an tỉnh Lâm Đồng- tấn công không chỉ cá nhân Minh Nhật mà còn cả gia đình, cụ thể:
  • Vào tối ngày 22.02.2016, côn đồ đã dùng đá ném vào đầu Minh Nhật làm chảy máu đầu, gia đình muốn đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng họ đã ngăn cản và đe dọa giết cả gia đình nếu như anh Nhật đi ra khỏi nhà. Gia đình phóng viên này nhận dạng rõ danh tánh của những côn đồ đã hành hung Minh Nhật và khẳng định những người này thường xuyên canh gác trước cửa nhà, hợp tác với các côn đồ khác ném đá vào nhà và hành hung Minh Nhật. Sau đó, ông Đạt, anh ruột của Minh Nhật đã đưa mẹ của anh Nhật và anh Nhật đi lánh nạn tại tư gia nhà ông, cách nhà anh Nhật khoảng 1km. Thế nhưng, khoảng 20 côn đồ đã đi theo và tiếp tục gây rối tại đây. Họ chửi bới, ném đá rầm rầm vào nhà khiến cả nhà trong đó có người lớn tuổi –mẹ của anh Nhật, và người bệnh – vợ của ông Đạt cùng những đứa con nhỏ của ông Đạt, vô cùng sợ hãi trước sự hung hăng của những côn đồ này.
  •  
  • Trước đó. côn đồ liên tục xịt thuốc độc xung quanh khu vực nhà làm cho cả gia đình có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, còn gà thả ngoài vườn bị chết hàng loạt khi tiếp xúc với khí độc và ăn phải cám tẩm thuốc độc.

  • Vào ngày 10.02.2016, côn đồ đã đốt đống củi cà phê khô ngay sát sân và nằm cạnh nhà phóng viên này, nếu gia đình không phát hiện kịp để dập tắt ngọn lửa thì cả gia đình có nguy cơ chết trong đám cháy.

  • Gia đình phóng viên này cũng phải hứng chịu những trận ném đá suốt nhiều đêm, vỡ cả cửa kính khiến gia đình luôn bất an, không thể ngủ được. Ngoài ra, ông Trần Khắc Đường, anh ruột của Minh Nhật, đã bị 5 công an huyện Lâm Hà chặn xe, đòi đánh và dọa sẽ đốt nhà.

  • Các trẻ nhỏ trong gia đình của phóng viên này liên tục bị đe dọa và cấm cản các em đi ra khỏi nhà.

  • Đặc biệt, nhà cầm quyền cố tình triệt phá kinh tế gia đình bằng cách xịt thuốc trừ sâu vào các gốc cây cà phê, tiêu, bơ khiến khu vườn gia đình thiệt hại hơn 789 gốc tiêu, 155 cây cà phê, 11 cây bơ… cắt đứt nguồn thu nhập chính của gia đình.

  • Mỗi khi bị tấn công, gia đình phóng viên Trần Minh Nhật đều trình báo với các cơ quan chức năng nhưng họ vẫn thờ ơ, chỉ có một vài lần họ xuống hiện trường để kiểm tra, nhưng sau đó không có một hồi đáp, ngăn chặn, giải quyết thỏa đáng nào cho gia đình.
Phóng viên Trần Minh Nhật là một TNLT vừa mới mãn hạn tù vào cuối tháng 8.2015. Đây là một phóng viên kiên cường, mạnh mẽ chống lại các áp bức của nhà cầm quyền Cộng sản, bênh vực những người dân oan… chính vì vậy mà phóng viên Minh Nhật phải gánh chịu những hậu quả tàn bạo do các chiêu trò có tính chất côn đồ của nhà cầm quyền tỉnh Lâm Đồng gây ra.

Văn phòng CLHB thuộc DCCT Sài Gòn và GNsP lên án các hành vi bất nhân này. Bởi lẽ:
  • Đây là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của côn đồ, được bảo kê. Họ ngang nhiên, công khai, cố tình phạm tội. Coi thường “tính mạng con người được pháp luật bảo hộ”, sẵn sàng đe dọa và thực hiện các hành vi “tước đoạt mạng sống con người”. Đặc biệt ngay cả với người lớn tuổi, phụ nữ, bệnh nhân và trẻ em. Họ chà đạp lên Hiến pháp và pháp luật, xâm phạm những “quyền cơ bản của công dân”: quyền sống, quyền tự do Tôn giáo, quyền tự do đi lại, bày tỏ chính kiến…Phá hoại kinh tế của gia đình, phá hoại cuộc sống yên bình, nguy cơ đẩy các thành viên gia đình vào bần hàn, túng cùng.

  • Những hành động tệ hại này lại được chính những người “nhân danh bảo vệ pháp luật, bảo vệ người dân” bảo kê. Không có “chỉ đạo”, “ngầm tiếp tay, ủng hộ” của guồng máy công an cầm quyền, những côn đồ này chắc chắn không dám ngang nhiên, phạm tội kéo dài, mà không bị xử lý!

Văn phòng CLHB thuộc DCCT Sài Gòn và GNsP kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế, cộng đồng Người Việt trong và ngoài nước, các cá nhân yêu chuộng Công lý và hòa bình cùng chia sẻ với gia đình anh Trần Minh Nhật, lên án những hành động phi nhân tính của nhà cầm quyền tỉnh Lâm Đồng và yêu cầu họ dừng ngay các hành vi côn đồ. Xử lý theo pháp luật và buộc côn đồ bồi thường cho gia đình anh Trần Minh Nhật những thiệt hại do họ gây ra.

TM. Văn phòng CLHB và GNsP
Lm. Giuse Trương Hoàng Vũ

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Đất nhiều nắng (Sunnylands) và vùng nước đục

The Economist
21/2/2016


Việc Trung Quốc đưa nhiều người dân ra khỏi mức khó nghèo và quốc gia trở nên hùng mạnh nhanh chóng là một điều đáng lưu ý. Đáng lưu ý không kém là thái độ của Hoa Kỳ, đương kim siêu cường, xem việc trỗi dậy của Trung Quốc là một cơ hội hơn là mối đe dọa. Tuy thế tại Biển Đông nơi có 30% lượng giao thương thế giới qua lại thì Trung Quốc lại có cơ nguy gây hại cho sự sắp xếp ôn hòa này. Cách hành xử của Trung Quốc tại đây đã xem thường luật pháp quốc tế, làm các láng giềng sợ hãi và gia tăng rủi ro đụng độ với một số quốc gia đó và với chính Hoa Kỳ. Nếu nhớ lại khẩu hiệu của chính họ về ổn định và hòa bình thì Trung Quốc nên nhượng bước.

Hành vi khiêu khích mới nhất là việc đặt hai giàn phóng hỏa tiễn phòng không trên đảo Phú Lâm (Woody) tại quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc không phủ nhận động thái leo thang quân sự nguy hiểm này, thay vào đó lại biện hộ cho quyền “có phương tiện tự vệ cần thiết và giới hạn”. Quần đảo Hoàng Sa cũng được cả Việt Nam và Đài Loan tuyên nhận chủ quyền.

Hình vệ tinh đảo Phú Lâm chụp hôm 3 Tháng Hai (trái) và 14 Tháng Hai (phải). Ảnh: CNN
Trung Quốc đã cuống cuồng xây cất trong vùng Trường Sa, xây dựng đảo nhân tạo trên các đá và bãi đá ngầm nơi mà Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên nhận chủ quyền. Việc xây cất này, cũng như các giàn hoả tiễn, bất chấp tinh thần của tuyên bố mà Trung Quốc ký kết năm 2002 với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) trong đó các bên hứa “hành xử tự kiềm chế” trong vùng biển tranh chấp. Trung Quốc cũng khước từ không chấp nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế tại The Hague đang xét xử vụ kiện của Phi Luật Tân theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Nếu, mà nhiều phần là vậy, phán quyết của tòa sắp tới đây xử có lợi cho Phi Luật Tân, Trung Quốc sẽ phớt lờ đi. Đây không phải là một đối tượng có trách nhiệm trên thế giới mà Hoa Kỳ hy vọng là Trung Quốc sẽ trở nên.

Hai yếu tố có thể khiến cho Trung Quốc triển khai giàn hỏa tiễn. Tin tức này đến trong lúc Tổng thống Obama đón tiếp 10 lãnh đạo của các nước ASEAN trong một hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Sunnylands, California, một sự việc chưa từng xảy ra tại Hoa Kỳ. Hội nghị nhằm cho thấy sự đoàn kết của Hoa Kỳ với ASEAN. Trung Quốc thì xem đây là mưu để khích các nước láng giềng bạo dạn hơn để chống lại họ, và cũng là một phần của chiến lược be bờ của Hoa Kỳ.

Chiến hạm USS Lassen được sử dụng trong chuyến công tác ‘tự do hải hành’ vào cuối năm ngoái. (Ảnh: US NAVY/ Reuters)

Thứ nhì, cuối năm ngoái Hoa Kỳ thực hiện công tác “tự do hải hành” trong vùng Biển Đông, với hai lần gửi chiến hạm đi qua lại các vùng biển mà Trung Quốc tuyên nhận chủ quyền. Đây là một nỗ lực khá trễ để cho thấy các mảnh đất và đá trong vùng biển này, phần lớn nằm chìm dưới mặt biển, không thuộc chủ quyền của ai cả và mở rộng cho mọi loại hải hành. Rất tiếc là Hoa Kỳ không làm rõ thông điệp này, khi xác nhận rằng cả hai chuyến công tác dưới dạng “qua lại không gây hại”, tức là theo Luật Biển cho phép ngay cả tàu chiến qua lại không đe dọa gây hại trong hải phận của quốc gia khác. Trung Quốc có vẻ thấy các công tác này đầy khiêu khích và tìm cách ngăn chận Hoa Kỳ trong tương lai - hoặc có thể chúng chỉ tạo lý cớ cho Trung Quốc.

Mùa tranh cử


Trung Quốc có thể tính toán rằng đây là thời điểm tốt nhất, trong những tháng chót của nhiệm kỳ của một ông tổng thống mà họ cho là yếu và không thích đối đầu, để tạo ra sự đã rồi và không lật ngược lại được trong vùng biển đang kiểm soát. Do đó thay vì nhường bước trước hăm dọa này của Trung Quốc, Hoa Kỳ nên tiếp tục xác quyết quyền tự do hải hành và bay ngang không phận, và làm một cách rõ ràng, không mơ hồ. Các quốc gia bạn trong vùng, vốn dĩ thường ngại ngùng không dám làm mích lòng Trung Quốc, nên hậu thuẫn Hoa Kỳ hết mình. Biển Đông với các tuyến đường giao thương quan trọng mà trở thành Hồ Trung Quốc thì chẳng ích lợi gì cho họ.

Chân Trời Mới Media - Hoàng Thuyên lược dịch

Theo The Economist - 20/2/2016
 
Nguồn: The Economist

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Ân Xá Quốc Tế kêu gọi hành động cho tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy

Ngày 19 Tháng Hai, 2016

KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP

Ngày càng lo ngại về sức khỏe của nhà hoạt động đang bị giam cầm



Tình hình sức khoẻ của tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy ngày càng đáng lo ngại vì bà bị từ chối không cho chữa trị, mặc dầu đã yêu cầu nhiều lần với nhà chức trách. Bà được chẩn đoán bị bướu tử cung và hiện rất đau đớn đến độ phải cần có người dìu mới đi đứng được. Bà được bảo là sẽ không được chữa bệnh cho đến khi nào "thú nhận" tội bị cáo buộc.

Trần Thị Thúy đang chịu bản án 8 năm tù sau khi bị kết án "hoạt động nhằm lật đổ" theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bà bị bắt vào Tháng Tám, 2010 và bị xét xử cùng với sáu nhà hoạt động khác tại Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Bến Tre ngày 30 Tháng Năm, 2011. Theo bản án, bà sẽ ra tù vào Tháng Tám, 2018.

Bà Thúy bị bệnh vào khoảng Tháng Tư, 2015 trong lúc bị giam tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Bác sĩ trại giam chẩn đoán bà bị bướu tử cung nhưng đã không được chữa trị. Một viên chức trại giam bảo bà phải thú nhận tội danh hoặc "chết trong tù". Bà đi đứng khó khăn, phải chóng nạng hoặc người khác dìu. Bà cũng bị cao huyết áp và phải uống thuốc. Bà được gia đình cung cấp thuốc cổ truyền. Trần Thị Thúy đang trong tình trạng vô cùng đau đớn thể xác và có cho gia đình biết trong những tháng gần đây có những lúc cảm thấy mình sắp chết.

Việc khước từ không cho điều trị cũng như cố tình gây đau đớn và đau khổ để buộc bà nhận tội là một hình thức tra tấn, và vì vậy là một vi phạm Công Ước Chống Tra Tấn mà nhà cầm quyền đã ký kết và có hiệu lực kể từ Tháng Hai, 2015.

Trần Thị Thúy là một tiểu thương, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và một nhà hoạt động đấu tranh cho quyền lợi đất đai của người dân. Theo bản cáo trạng, bà cùng sáu nhà hoạt động bị cáo buộc tham gia hoặc liên hệ đến Việt Tân, một tổ chức hoạt động ôn hòa cho dân chủ tại Việt Nam. Bà đã từ chối "nhận tội" về những cáo buộc đối với mình, mặc dù phải hứng chịu muôn điều khó khăn. Trần Thị Thúy hiện đang bị giam tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, cách xa gia đình khoảng 900 km; mỗi chuyến thăm nuôi đi về mất ba ngày.

Lời kêu gọi có thể gởi thẳng đến trại giam để đòi bà Thúy phải được điều trị.

Hãy viết thư ngay lập tức bằng tiếng Việt, Anh ngữ hoặc bằng ngôn ngữ của bạn:

- Đòi giới chức trách trả tự do ngay lập và tức và vô điều kiện cho bà Trần Thị Thúy vì bà là một tù nhân lương tâm bị giam cầm chỉ vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền ôn hòa;

- Kêu gọi giới chức trách phải cho bà Thúy chăm sóc sức khỏe ngay lập tức, kể cả vào bệnh viện điều trị nếu cần thiết.

XIN GỞI LỜI KÊU GỌI TRƯỚC NGÀY 1 THÁNG TƯ, 2016

Minister of Public Security
Gen Tran Dai Quang

Ministry of Public Security
44 Yet Kieu Street, Hoan Kiem district
Ha Noi, Viet Nam
Online contact form:
http://www.mps.gov.vn/web/guest/contac t_english

Prison Supervisor
Colonel Phan Đình Hoàn

Phân trại số 2
Trại giam An Phước
Bình Dương province, Viet Nam

Head of Prisons Department
Major General Phạm Đức Chấn

Ministry of Public Security
44 Yết Kiêu Street, Hoàn Kiếm district
Ha Noi, VIET NAM
Online contact form:
http://www.mps.gov.vn/web/guest/contac t_english
Nguồn: Amnesty International

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands đã đạt được gì?

Prashanth Parameswaran - The Diplomat
18/02/2016

Ảnh: Reuters
Trong tuần này tổng thống Obama tiếp đón các nguyên thủ quốc gia ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tổ chức ở Sunnylands, California. Hội nghị đã đạt được những gì?

Sự kiện Hội nghị được tổ chức tự chính nó là một thành quả đáng kể đối với vị trị hiện thời và tương lai của Đông Nam Á và ASEAN tại Hoa Kỳ. Chính sách Châu Á thường bị chi phối bởi những quan tâm liên quan đến vùng Đông Bắc Á Châu. Việc tổ chức hội nghị chỉ cho ASEAN lần đầu tại Hoa Kỳ là một biểu hiện quan trọng của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay can dự vào Đông Nam Á và là tín hiệu rõ rệt cho chính quyền kế vị về tầm quan trọng của ASEAN.

Đôi bên cần tính đến việc thúc đẩy đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN được hoàn tất Tháng 11 vừa rồi. Giới chức Hoa Kỳ cho biết là Hội nghị Thượng đỉnh bớt hình thức hơn là các hội nghị Mỹ-ASEAN thông thường với nhiều kết quả thương lượng cần đạt. Tại Hội nghị Thượng đỉnh kết quả chỉ là một văn kiện với những nguyên tắc đã được đồng ý.

Văn kiện chung của Hội nghị thượng đỉnh My-ASEAN là Tuyên Bố Sunnylands, trong đó tái xác nhận các nguyên tắc cơ bản để thúc đẩy sự hợp tác đi tới. Văn kiện 17 đoạn liệt kê các nguyên tắc này, từ việc tôn trọng các chuẩn mực chung như tự do hải hành và phát triển kinh tế chung và bền vững đến quyết tâm chung giải quyết những vấn đề riêng biệt như khủng bố, buôn người và thay đổi khí hậu toàn cầu.

Có một số người phê bình tài liệu này mơ hồ. Nhưng các viên chức đã nói trước là kết quả của Hội nghị không có chủ đích liệt kê những việc làm; việc đó đã được thực hiện Tháng 11 năm ngoái trong Kế Hoạch Hành Động Để Thực Hiện Chương Trình Đối Tác Chiến Lược My-ASEAN, một tài liệu 14 trang với đầy đủ chi tiết làm sao để thúc đẩy mối quan hệ cho đến năm 2020.


Ảnh: PCOO




Điểm tổng quát của Tuyên bố chung là để nhấn mạnh những nguyên tắc ủng hộ cho cam kết chung của Hoa Kỳ và ASEAN cho một trật tự pháp luật trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương để gìn giữ hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ trong vùng. Dầu là những nguyên tắc đề ra tàu bè có thể di chuyển trên đường biển thế nào cho an toàn; các chính sách đeo đuổi để tiến đến việc mở rộng và cạnh tranh trong lãnh vực kinh tế; hoặc cổ xúy cho thượng tôn luật pháp, điều hành guồng máy tốt, định chế có trách nhiệm và nhân quyền phổ cập, tất cả những việc này đều cột chung vào việc duy trì trật tự pháp luật.

Ngoài tuyên bố chung còn có một số thành quả cụ thể. Phần lớn trong lãnh vực kinh tế. Nối Kết Mỹ-ASEAN (US-ASEAN Connect) là một đề xướng của chính quyền Hoa Kỳ nhằm tận dụng mạng ba chân vạc ở Đông Nam Á – Singapore, Jakarta, và Bangkok – để phối hợp nhịp nhàng hơn các hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ trong vùng và nối kết giới doanh nghiệp, đầu tư và thương mại.

Tuy ý kiến này không gì mới và phần lớn của đề xướng này tập trung vào việc phối hợp và nối kết các chương trình và cấu trúc hiện thời của Hoa Kỳ, có một số phát triển mới bao gồm cả một loạt các hội thảo giao thương để giúp sáu quốc gia Đông Nam Á chưa là thành viên của TPP tìm hiểu hiệp ước này cũng như những cải tổ cần thiết để tham gia trong tương lai. Hiện thời chỉ có bốn thành viên ASEAN có trong TPP (Brunei, Mã Lai, Singapore và Việt Nam), ba quốc gia đang muốn vào (Indonesia, Phi Luật Tân, Thái Lan), và ba quốc gia khác hiện nay không đủ điều kiện tham gia vì không thuộc Diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (Lào, Miến Điện, Cam Bốt).
Về mặt an ninh, hàng loạt vấn đề được thảo luận kể cả việc chiến đấu với Islamic State và đối đầu với việc bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy thông báo chung không có đưa ra những điều cụ thể liên quan đến Biển Đông, Hoa Kỳ đã có những hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á đằng sau hậu trường.

Ảnh: Reuters







Có một số dấu hiệu tại Hội nghị nhấn mạnh cho thấy tầm quan trọng của những vấn đề này đối với cả Hoa Kỳ và ASEAN. Thí dụ như, Tổng thống Obama tiết lộ trong buổi tiếp xúc báo chí là ông đã hứa hỗ trợ các quốc gia ASEAN khai thác tốt hơn dữ liệu của Interpol để ngăn chận luồng di chuyển của các nhóm khủng bố. Và tuy bản tuyên bố chung không đề cập đích danh Trung Quốc, ba trong số mười bảy đoạn văn được dành để nói đến vấn đề an ninh đường biển. Điều đó cho thấy tầm quan trọng đối với cả hai bên.

Một quan tâm khác trước Hội nghị là Washington sẽ đối xử với đề tài dân chủ và nhân quyền như thế nào. Ngay từ đầu hướng giải quyết của chính quyền Obama đã không làm hài lòng giới cổ xúy nhân quyền. Chính quyền Hoa Kỳ xem những vấn đề này nên được đối xử song phưong và riêng tư với từng cá nhân lãnh đạo; giới hoạt động nhân quyền thì muốn nó trở thành một vấn đề đa phương, với một số kêu gọi thành lập Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ-ASEAN một cách chính danh.

Chính quyền Hoa Kỳ có nỗ lực giải quyết các quan tâm này trước đó, với bà Susan Rice, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia gặp gỡ trao đổi với các tổ chức xã hội dân sự trước Hội nghị. Trong diễn từ sau khi kết thúc Hội nghị vào ngày thứ Ba, tổng thống Obama phát biểu rằng ông đã nói rõ cam kết của Hoa Kỳ với việc thượng tôn pháp luật, điều hành guồng máy tốt, định chế có trách nhiệm, và nhân quyền phổ cập, luôn cả đứng về phía người dân và xã hội dân sự để bảo vệ tự do ngôn luận, tụ tập, và tự do báo chí. Ông đề cập riêng biệt đến việc phục hồi lại quyền điều hành dân sự tại Thái Lan và duy trì tiếp cận với Miến Điện trong tiến trình chuyển hóa chính trị.

Ảnh: The Desert Sun







Tuy thế vẫn không ngăn được hàng trăm người biểu tình bên ngoài phản đối việc chính quyền Hoa Kỳ tiếp xúc với lãnh tụ của một số quốc gia phi dân chủ tại Đông Nam Á.

Chân Trời Mới Media

Nguồn: The Diplomat

Quốc hội hay hội nghị đảng viên mở rộng?


Phạm Nhật Bình


Bầu cử quốc hội từ lâu không được quần chúng quan tâm, cho dù nó được nhà nước tôn vinh là “cơ quan quyền lực cao nhất nước”. Cứ mỗi 5 năm một lần, quốc hội được đảng Cộng sản Việt Nam cho “bầu” lại 500 đại biểu, mà hầu hết là đảng viên cộng sản với một số ít người ngoài đảng làm cây cảnh.

Năm nay theo chỉ đạo từ trước của Bộ Chính Trị, cuộc bầu cử quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra vào ngày 22/5/2016. Theo thông lệ, Mặt Trận Tổ Quốc Trung Ương làm nhiệm vụ của mình bằng việc tổ chức cái gọi là “Hội nghị hiệp thương” để chọn người “xứng đáng” giới thiệu làm đại biểu. Phải có Mặt Trận Tổ Quốc nhúng tay vào mới được ra ứng cử … gọi là hợp pháp theo ý của đảng CSVN. Cơ chế hiệp thương ấy được chấp nhận và tồn tại như chuyện bình thường, tuy không có nước nào có.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội hôm 16 Tháng Hai vừa qua.
Ngày 16 Tháng Hai vừa qua, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hà Nội. Nó nhằm mục đích thỏa thuận thành phần cũng như số lượng người của các cơ quan và tổ chức thuộc trung ương sẽ được giới thiệu làm đại biểu quốc hội khóa 14. Dĩ nhiên đây là thành phần cốt cán nhất đang nắm trọn quyền hành pháp trong tay.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến thành phần đại biểu chia ra như sau: các cơ quan Đảng 11 đại biểu, cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu, Chính phủ 18 đại biểu, các cơ quan của Quốc hội (đại biểu đảm trách ở trung ương) 114 đại biểu.

Ngoài ra còn có 6 địa phương có từ 10 đại biểu Quốc hội trở lên. Riêng Hà Nội, TP. HCM, tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An mỗi địa phương có thêm 2 đại biểu chuyên trách. Như vậy theo sự sắp xếp này, số đại biểu Quốc hội thuộc cơ cấu trung ương là 198, số đại biểu thuộc địa phương là 302; tổng cộng là 500 người.

Nhìn qua các con số dự kiến, người ta thấy sự phân chia thật chặt chẽ và trung ương chiếm gần 40% ghế đại biểu trong tay. Điều rất đặc biệt là trong hiệp thương lần thứ nhất này, không thấy nói đến người tự ứng cử. Tuy nhiên để cho có vẻ dân chủ, “người ngoài đảng” cũng được cẩn thận dành cho 35 ghế đại biểu trong tổng số 500.

Nhưng con số 35 ghế đại biểu “người ngoài đảng” trong thực tế họ là những cảm tình viên, hoặc những loại người dễ sai khiến thì mới được “đảng cử” không khác gì những đảng viên đảng CSVN.
Dù vậy, tham dự hiệp thương lần đầu này, ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Mặt Trận Tổ Quốc cho rằng, con số 35 người ngoài đảng là thấp và cần phải tăng thêm. Ông đề nghị tăng từ 35 lên 100 người và nhấn mạnh “dự kiến có 35 người ngoài đảng thì ít quá, họp Quốc hội đâu phải hội nghị đảng viên mở rộng, trong khi chúng ta có nhiều người ngoài đảng ưu tú.”

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Mặt Trận Tổ Quốc Lu Văn Que

Phát biểu của Lù Văn Que không có gì mới; nhưng ở thời điểm hậu Đại Hội 12 đã biểu hiện một sự chờ đợi thay đổi nào đó trong nội bộ đảng, sau câu tuyên bố “dân chủ đến thế là cùng” của Nguyễn Phú Trọng trong ngày bế mạc Đại Hội.

Mặc dù nhóm từ “người ngoài đảng” chưa được định nghĩa rõ ràng, nhưng chuyện bầu cử Quốc hội khóa 14 năm nay đang có nhiều diễn biến đặc biệt khiến dư luận quan tâm, luận bàn khá sôi nổi.
Một phong trào “tự ứng cử” nhằm thực hiện quyền lợi chính trị của người dân xuất hiện trong nước và được phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn. Phong trào được dẫn dắt bởi những nhà hoạt động xã hội dân sự, những nhân vật bất đống chính kiến ôn hòa đủ mọi ngành nghề.

Căn cứ vào Điều 27 của Hiến Pháp 2013 quy định quyền bầu cử và ứng cử của công dân từ 18 đến 21 tuổi, nhiều nhân vật trong giới đấu tranh dân chủ đã tuyên bố tự ứng cử đại biểu quốc hội khóa 14. Họ nhận được sự ủng hộ của dư luận quần chúng vì vai trò đi đầu trong việc lấy lại quyền của mình từ lâu bị bỏ quên.

Đánh giá sự thành công hay thất bại của việc tự ứng cử lúc này có lẽ là quá sớm. Nó không quan trọng bằng việc những người tự ứng cử rõ ràng đã thúc đẩy và thức tỉnh mọi người về những gì vốn quy định trong hiến pháp mà bị nhà nước cố tình không tôn trọng.

Sẽ còn rất nhiều hội nghị hiệp thương do Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức để làm công việc gạn lọc theo quan điểm của chế độ. Những người tự ứng cử cũng thừa biết cơ chế hiệp thương này đặt ra để chế độ giành quyền đề cử những ai được coi là thích hợp, đồng thời loại trừ những người mà chế độ đánh giá là không thích hợp. Họ có vượt qua cửa ải này hay không cũng chưa phải là mục đích cuối cùng.
Nhưng như ông Lù Văn Que nói, để “Quốc hội đâu phải hội nghị đảng viên mở rộng”, điều cần thiết đối với mọi người hiện nay là nhanh chóng gia tăng số lượng người ứng cử độc lập, bất chấp rào cản của hội nghị hiệp thương hay các cuộc “đấu tố” ở tổ dân phố. Với số lượng đông bất ngờ, người tự ứng cử đặt chính quyền trước những thách thức chưa từng có trong các cuộc bầu cử mà người dân dè bỉu “đảng cử dân bầu.”

Câu "Dân chủ đến thế là cùng" được ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến tại cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội đảng 12 hôm 28 Tháng Giêng vừa qua.

Trong khi chế độ vẫn “kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê” và “dân chủ đến thế là cùng”, người dân trong nước hơn lúc nào hết cần chứng minh cho đảng thấy cuộc bầu cử có thực sự dân chủ hay không, bằng cách coi hành động tự ứng cử đông đảo như là một nhu cầu của tất cả mọi người, để cuối cùng buộc đảng phải “hiệp thương” với nhân dân.

Mặt khác, nếu cuộc bầu cử được thực hiện tự do và công bằng thì chưa chắc Tướng Công An Trần Đại Quang, hay Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng như nhiều người khác được đảng “cơ cấu” sẽ được người dân tín nhiệm để trở thành đại biểu quốc hội. Đến ngày 22 Tháng 5 người dân mới đi bầu, nhưng những người vừa kể đã nghiễm nhiên trở thành “đại biểu quốc hội” mà khỏi cần sự bầu chọn của người dân qua lá phiếu. Đúng là “dân chủ đến thế là cùng” theo kiểu của ông Nguyễn Phú Trọng.
Đừng để đảng tiếp tục độc quyền chính trị và quốc hội khóa 14 tiếp tục là một hội nghị đảng viên mở rộng.

Phạm Nhật Bình

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Thời điểm nguy cấp cho Washington và Bắc Kinh tại Biển Đông

Dan De Luc, Keith Johnson - Foreign Policy

Các giàn phóng hỏa tiễn phòng không loại HQ-9 của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc trong buổi diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 3 tháng Chín, 2015 nhân kỷ niệm 70 năm sau chiến thắng kết thúc Thế Chiến Thứ Hai. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Khi đưa hỏa tiễn phòng không vào vùng đảo tranh chấp tại Biển Đông trong tháng này, Bắc Kinh đã làm tình hình nóng hơn trong việc đối đầu với Hoa Kỳ và với phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế sắp tới đây sẽ làm tình hình căng thẳng hơn nữa.

Các chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc buộc Hoa Kỳ phải quyết định có nên lấy phản ứng mạnh hơn – ngay cả nếu có nguy cơ đụng độ quân sự – hay ngồi yên đó để Bắc Kinh tiếp tục tháo gỡ một trật tự thế giới đã giữ được 70 năm hòa bình và trù phú tại Châu Á.

Sắp tới đây Tòa án Trọng tài Quốc tế tại The Hague sẽ ra phán quyết lần đầu tiên về tính pháp lý của các tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc, mà thường được biết qua bản đồ chín vạch chiếm gần hết Biển Đông. Với việc đưa các hỏa tiễn phòng không tầm dài đến đảo Woody chỉ làm tăng thêm tầm quan trọng của phán quyết sắp tới.

Các chuyên gia nghĩ rằng phán quyết của tòa nghiêng về phía Phi Luật Tân, bên đưa đơn kiện năm 2013. Điều này sẽ buộc cả Washington và Bắc Kinh lấy chọn lựa: Hoa Kỳ sẽ phải quyết định là có nên và ở mức độ nào để tuân thủ phán quyết đó dùng lực lượng Hải quân Hoa Kỳ. Và Trung Quốc, vốn dĩ từ chối không tham gia vụ kiện, sẽ gặp một thử thách về điều mà họ tự cam kết là sẽ tuân theo luật lệ quốc tế.

Phán quyết của tòa án sẽ đánh dấu một bước ngoặt khác trong việc tranh chấp trên Biển Đông. Một cựu viên chức của chính quyền Obama xin giấu tên đưa nhận định là “phán quyết đó sẽ bác bỏ tất cả thẩm quyền pháp lý và tinh thần của Trung Quốc hoặc sẽ không có tác dụng gì. Nếu tòa phán quyết là đường chín vạch vô nghĩa, thì áp suất sẽ đè lên phía Trung Quốc phải có phản ứng nào đó.”

Hình vệ tinh trên đảo Phú Lâm hôm 3 Tháng 2 (trái) và hôm 14 Tháng 2 (phải). Nguồn ảnh: ImageSat International
 Trong tuần này, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đưa hệ thống hỏa tiễn phòng không đến đảo Phú Lâm (Woody Island), trong vùng quần đảo Hoàng Sa. Giới phân tích quốc phòng đánh giá rằng việc đặt hỏa tiễn này là “một leo thang quân sự đáng kể” và là cú phản công lại đối với hai chuyến công tác tự do hải hành của Hoa Kỳ vào năm ngoái và đầu năm nay.
Một số chuyên gia đánh giá việc bố trí hỏa tiễn này là một khuôn mẫu của việc quân sự hóa trong tương lai trên các vùng đảo tranh chấp khác tại Trường Sa.

Bước cờ mới của Trung Quốc đã khiến giới hành pháp Hoa Kỳ giận dữ và kêu gọi Hoa Kỳ phải có phản ứng mạnh hơn. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy Ban Quân Đội của Thượng Viện Hoa Kỳ tuyên bố là các công tác tự do hải hành không đủ, Hoa Kỳ phải có những hành động khác để buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành xử của họ.

Bắc Kinh bố trí hệ thống hỏa tiễn này ngay trong thời điểm Tổng thống Obama chủ tọa buổi họp với 10 thành viên ASEAN. Trong buổi họp Thượng đỉnh vấn đề Biển Đông chiếm phần lớn các trao đổi. Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, bản tuyên bố chung vào cuối Hội nghị kêu gọi tôn trọng trật tự luật lệ quốc tế, tránh quân sự hóa vùng tranh chấp; tôn trọng tự do hải hành.

Ai là đồng minh?

Cho đến nay các tuyên nhận chủ quyền và các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc đã đẩy các quốc gia Châu Á đến gần Hoa Kỳ hơn. Tokyo và Washington duyệt lại đường lối quốc phòng chung, và Nhật Bản đã vất lập trường chủ trương hòa bình sang một bên. Phi Luật Tân thì mời Hoa Kỳ trở lại sau 25 năm đuổi đi. Ngay cả Việt Nam, một quốc gia cộng sản với mối quan hệ giao thương chặt chẽ với Trung Quốc, cũng nhích lại gần với Washington và ngõ ý muốn mua vũ khí Hoa Kỳ để phòng chống lại Trung Quốc.

Trớ trêu thay, một đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng lại khiến cho phản ứng của Washington rắc rối hơn.

Đài Loan, một đồng minh cốt cán từng mua hàng tỉ Mỹ kim vũ khí quốc phòng của Hoa Kỳ, lại có vẻ như sát cánh với Trung Quốc trong việc tranh chấp. Tổng thống Mã Anh Cữu đến thăm viếng đảo Taiping hồi tháng rồi, bất chấp những phản đối của Hoa Kỳ. Khi nhấn mạnh Taiping là một hòn đảo chứ không phải đá như Phi Luật Tân gọi như thế, Đài Loan làm cho hồ sơ vụ kiện của Phi Luật Tân yếu đi, và cung cấp lý do để Trung Quốc tranh cãi. Tuy nhiên Trung Quốc cũng chẳng sốt sắng với động thái của Đài Loan vì làm thế lại nhìn nhận Đài Loan là một đất nước có chủ quyền riêng.

Giới chức Hoa Kỳ nghĩ là Đài Loan tuyên bố như thế trước khi có phán quyết của tòa chỉ để muốn nhấn mạnh đến những tuyên nhận chủ quyền của họ trong vùng tranh chấp.

Những đòn phản công

Trọng tâm của vụ kiện của Phi Luật Tân là cho rằng các địa dư trong vùng tranh chấp là đá chứ không phải đảo. Thoạt nghe có vẻ không gì khác lắm nhưng có sự phân biệt quan trọng: Theo luật pháp quốc tế, đảo thì có được vùng đặc quyền kinh tế nới dài ra 200 dậm; đá thì không được. Và đá ngầm dưới mặt nước khi thủy triều lên không được quyền có hải phận.

Tuy nhiên Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế không có quyền thực hiện án lệnh. Và Trung Quốc đã tuyên bố từ đầu là họ không tuân theo phán quyết. Các chuyên gia cho rằng như thế thì chỉ còn có Hoa Kỳ mới có khả năng để thực hiện làm cho phán quyết có giá trị. Chẳng hạn như có chuyến tự do hải hành đi ngang những địa dư không được xem là đảo chẳng hạn.

Phiên điều trần tại Tòa Án Liên Hiệp Quốc trong vụ kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân.
Phán Quyết của Tòa The Hague đòi hỏi chính quyền Obama quyết định xem có nên tái xác nhận thẩm quyền của tòa án với các cuộc tuần tra.

Các nhà phân tích và cựu viên chức Hoa Kỳ cho biết là Bộ Ngoại Giao sẽ khởi động một chiến dịch ngoại giao sau khi có phán quyết để xiển dương đây như là một quyết định hệ trọng nêu gương về cách giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa.


Phán quyết bất lợi cho Trung Quốc đến từ một tòa án được trọng vọng như tòa The Hague sẽ là một sự xấu hổ chính trị cho một quốc gia tự cho mình là tác nhân có trách nhiệm trên diễn đàn thế giới. Nhưng Bắc Kinh cũng có thể quyết định lờ đi, dựa trên suy tính là Washington và các quốc gia Châu Á không dám liều lĩnh đụng độ quân sự hoặc trả đũa kinh tế.

Và dẫu phán quyết như thế nào đi nữa, chẳng ai dám bảo là Bắc Kinh sẽ từ bỏ những tuyên nhận chủ quyền hoặc sẽ tháo gỡ các công việc bồi đắp đảo đã làm. Đối với Washington, kết quả tốt nhất có lẽ là Trung Quốc lặng lẽ ngưng các hoạt động quân sự hóa, hoặc có động thái hòa hoãn cho phép ngư phủ Phi Luật Tân đánh cá trong vùng biển tranh chấp.

Nhưng ngay cả khi Hoa Kỳ phản công toàn diện, bằng cách gia tăng tuần tra, gia tăng hợp tác quân sự với các đối tác và đồng minh tại Châu Á, và củng cố tầm với kinh tế qua hiệp ước TPP, có lẻ quá trễ để đẩy lui cơn thủy triều Trung Quốc. Bắc Kinh có vẻ có ý định xác quyết những quyền lợi quan trọng không chối cãi trong vùng Tây Thái Bình Dương, dầu có làm cho quan hệ với Washington xấu đi.

Chân Trời Mới Media - Hoàng Thuyên lược dịch


Nguồn: Foreign Policy

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Ông Thăng ơi, dân họ réo ông kìa!

Cánh Cò

Thật là một ngày đầy kịch tính. Vở kịch cho tới lúc này vẫn chưa mất hết tính thời sự và hấp dẫn bởi không ai đoán được kết cục của nó ra sao. Người thì tin vai ác vẫn…ác kẻ thì cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ về lịch sử cũng như vai trò của quần chúng. Vở kịch được các vai diễn xuất sắc, chỉ có một vai đang được khán giả chờ xem nhất lại …không ra sân khấu. Thất vọng, khán giả réo tên ông liên tục, trong tiếng réo ấy văng vẳng có tiếng chửi, bảo ông đang lừa tiền vé của người nghèo.
 Chắc ông Đinh La Thăng cũng không ngờ dân chúng Sài Gòn lại cuồng ông đến thế, đến nỗi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cũng mang ông ra làm đối tượng để lớn tiếng kêu gào mặc dù lúc ấy ông có thể quên hoàn toàn, không nhớ cái ngày 17 tháng Hai là ngày mà cả miền Bắc năm xưa ngập mùi thuốc súng. Lúc ấy ông vừa 19 tuổi và chúng tôi tin là ông ở Hà Nội nên không biết được người dân 6 tỉnh biên giới Việt Trung bị bọn xâm lược tàn sát như thế nào. Cả cuộc đời ông không có cơ hội cầm súng và vì vậy ông không biết tiếng nổ bộc phá làm cho tai người lính ù tai ra sao và tiếng AK47 của quân thù bắn vào mình âm thanh của nó có khác với tiếng súng M16 của đế quốc Mỹ hay không.

Tiếng AK dĩ nhiên là to và mạnh hơn, nhưng vì nó được cầm trong tay người đồng chí phương bắc nên rõ ràng nó tàn bạo và thù hận hơn nhiều. Ngày xưa ông không biết, 37 năm sau ông cũng không muốn biết và vì vậy người dân réo cho ông biết.

Họ tập trung tại bến Bạch Đằng dưới chân tượng Trần Hưng Đạo chỉ với lý do duy nhất: nhắc nhở cả nước rằng ngày này 37 năm xưa bọn Trung Quốc đã xua quân tàn sát người Việt.

Họ tin sáng hôm 17 tháng hai năm 2016 sẽ khác năm ngoái, ít nhất là không bị cản phá, cướp bóc và chà đạp như mọi năm. Họ tin vậy vì thấy ông về lãnh chức Bí thư Thành ủy, chức lớn như trời và họ tin, tin không cần suy nghĩ.


Ngoài Bắc ông Trương Tấn Sang thắp nhang tạ tội với hơn 300 anh linh liệt sĩ trong trận chiến biên giới. Ông Sang tạ tội vì ông đã không đủ can đảm làm công việc này trước đây trong khi xương cốt con người mỗi ngày mỗi mục nát. Ông Sang trước khi về an hưởng giàu sang phú quý đã hành xử như một đứa con hư quay về với gia đình bằng sự cúi đầu.
Ông khác với ông Sang vì ông cảm thấy mình không có gì phải tạ lỗi. Vâng, có thể ông đúng, nhưng chỉ đúng từ ngày hôm qua trở về trước bởi hôm nay ông đã bắt đầu vướng vào cái lỗi mà cả đảng cộng sản đang mang. Người theo đạo nói là tội tổ tông, không làm vẫn chịu. Còn người theo đảng nói là lỗi hệ thống.
Ông là kỹ sư nên công việc của ông là bù lon con táng. Nơi ông đang ngồi không thích hợp cho ông chút nào vì ông không phải là một chính trị gia khôn ngoan. Người dân ngộ nhận vai trò của một người chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng ứng phó nhân văn, thiếu luôn cả kiến văn lịch sử và nỗi đau của dân tộc từ các trang sử bằng máu ấy. Ông theo đúng gót chân của những người vừa từ thành phố Hồ Chí Minh ra đi với niềm tin cứ làm tốt công việc của mình là đủ.


Vòng hoa bị công an giật và đạp nát. Screen capture từ video của FBer Hoàng Bình.






Ông có nghe tiếng gào rú tại bến Bạch Đằng réo tên ông khi vòng hoa bị chà đạp, dày xéo không thương tiếc hay không? Bọn người đạp vòng hoa ấy là lính của ông, chúng không tự ý làm mà phải nhận được chỉ đạo từ cấp cao nhất là ông, cái cấp mà ông vẫn tự hào qua cách dùng “tư lệnh”.
Ông trảm khá nhiều tướng nhưng đối với lính thì có vẻ ông sẽ chịu thua. Ông có đuổi cổ 100 thằng tại hiện trường hôm nay thì cũng chằng danh giá gì, ngoại trừ ông đuổi cổ chính cái người ngồi tham mưu cho ông sau chiếc cánh gà của Ủy ban Nhân dân Thành Phố. Ông chủ quan không tham khảo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nay là lính của ông, về những diễn biến trước đây để ông không bị việt vị trong trận banh không có trái bóng này.

Nói tới bóng người dân Sài Gòn lại ghen tỵ với đội bóng NoU tại Hà Nội. Những chàng trai ấy đã làm cho người dân Thủ Đô có một ngày tưởng niệm trước tượng đài Lý Thái Tổ tuyệt vời. Nhìn hình ảnh các khuôn mặt cứng cỏi của nhân sĩ trí thức hòa với những người trẻ và không ít là dân oan, người dân cả nước rộn lên niềm tự hào khó diễn tả. Cùng nhận chức như ông nhưng ông Hoàng Trung Hải và Nguyễn Đức Chung lại được tiếng tốt lần này. Họ không cần làm gì to lớn cả chỉ cần nói nhỏ với thuộc hạ một câu: đủ rồi đừng nịnh Trung Quốc nữa.


Ông không có cái mẫn cảm của một nhà chính trị nên khó mà thấy rằng trong cuộc thắp hương tưởng niệm tại tượng đài Lý Thái Tổ sáng hôm 17 tháng Hai 2016 không có một màu đỏ nào hiện diện như thường thấy mấy chục năm qua. Không màu đỏ trên băng rôn, biểu ngữ và cả một lá cờ tổ quốc cũng không có nữa.

Tại sao ông biết không?

Trước đây người biểu tình cả tin rằng khi mang cờ tổ quốc hay hình ảnh bác Hồ đi biểu tình chống Trung Quốc thì cánh an ninh sẽ chùn tay. Thế nhưng sự thật khác hẳn, cờ cũng xé và hình cũng đạp lên thoải mái. Sự thật ấy khiến ngày hôm nay họ nói “không” với cờ tổ quốc lẫn hình bác Hồ, hai lá bùa này đã tỏ ra hết hiệu lực. Cánh hoa tím trên tờ giấy họ cầm nói lên tất cả: Không có biểu tượng nào có thể làm cho người cộng sản sợ sệt cho bằng sự đoàn kết của lòng dân.

Dân Sài Gòn chúng tôi lấy làm tiếc cho ông. Đinh La Thăng từ nay đã hết linh như màu cờ mà người dân từng dựa vào, tuy chỉ là niềm tin mong manh, dễ vỡ. Tiếc cho ông đã không nắm lấy cơ hội ngàn vàng tạo cho mình một thế đứng vững vàng, vững vàng hơn nhiều lần những gì mà Đảng đã hào phóng tặng cho ông. Đảng không còn gì nữa ban phát cho ông đâu mà chính người dân mới là tác nhân làm cho bộ máy lỗi thời, lạc hậu chuyển động và ông sẽ là “tư lệnh” đúng nghĩa chứ không phải trảm một hai con cá mà đã thành tư lệnh ông ạ.

Tiếc và buồn.

Nguồn: Blog Cánh Cò

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Tưởng niệm các anh hùng và đồng bào đã hy sinh trong Cuộc chiến Biên giới 1979

Sau đây là hình ảnh Lễ tưởng niệm các anh hùng và nạn nhân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đúng 37 năm về trước. Mời quý bạn đọc theo dõi.
BBT - Web Việt Tân

TẠI HÀ NỘI

 




Nguồn ảnh: FB Paulus Thanh Hoang


TẠI SÀI GÒN




Tại tượng đài Trần Hưng Đạo, lực lượng an ninh đã dùng dù che chắn vòng hoa lại và giật phá biểu ngữ có dòng chữ tri ân các Anh hùng tử sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương.
 Nguồn ảnh: Việt Quân